Những người trở về từ cuộc chiến

21:03, 29/07/2019

Trải qua những cuộc chiến ác liệt, hàng ngàn người con ưu tú của Thái Nguyên đã để lại tuổi thanh xuân và một phần cơ thể nơi chiến trường. Nhưng vượt qua những đau thương, bệnh tật, các bác, các anh luôn phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống.

Những ngày tháng 7, “ngôi nhà” của thương binh hạng ¼ Hoàng Văn Hợp tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Duy Tiên (Hà Nam) luôn tấp nập người ghé thăm. Trong số đó, có không ít người đến từ tỉnh Thái Nguyên, quê hương của ông. Năm 1977, cùng với lớp lớp những người con Thái Nguyên hăng hái lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, anh thanh niên Hoàng Văn Hợp quê ở xã Liên Minh (Võ Nhai) cũng nhập ngũ.

Chiến trường ác liệt, 2 năm sau ông vĩnh viễn mất đi đôi chân của mình. Ông Hợp nhớ lại: Thời gian đầu sau khi bị thương, tôi luôn rơi vào trạng thái rối loạn, buồn rầu mỗi khi nghĩ về tương lai mờ mịt. Tuy vậy, với bản lĩnh của một người lính, tôi dần dần thoát khỏi bóng tối để tích cực điều trị. Tuy cơ thể không thể lành lặn nhưng tôi đã có thể làm được một số công việc nhẹ nhàng. Sau khi kết hôn tôi có một con gái, hiện cháu đang là du học sinh tại Đài Loan.

Nhập ngũ cùng năm với ông Hợp, ông Nguyễn Quang Cảnh khi ấy mới 19 tuổi. Một năm sau, khi đang chiến đấu tại Mặt trận Tây Ninh, ông Cảnh bị địch bắn vào vùng đầu. Vết thương nặng khiến ông mất một tai và hỏng một bên mắt. Trải qua 7 năm điều trị và an dưỡng tại các trung tâm khác nhau, năm 1985, ông Cảnh trở về quê ở xóm Minh Lý, xã Minh Lập (Đồng Hỷ).

Việc cày cấy đem lại hiệu quả thấp, ông Cảnh bàn với vợ thay đổi cách làm ăn. Với đất bãi và ruộng sẵn có, gia đình ông chuyển từ trồng lúa sang trồng chè, cây ăn quả, xây dựng chuồng trại và đào ao nuôi cá. Những năm đầu, do chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, bệnh dịch thường xuyên xảy ra nên gia đình làm ăn thua lỗ. Ông Cảnh bộc bạch: Tuy sức khỏe của tôi suy giảm nhưng ý chí thì chưa bao giờ.  Là một người lính, tôi tự nhủ không thể đầu hàng. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước đó, tôi đã kiên trì học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, vừa nuôi vừa tự đúc rút kinh nghiệm. Những năm tiếp theo mô hình chăn nuôi của tôi từng bước đem lại thu nhập. Đến nay, trang trại tổng hợp của gia đình tôi có diện tích 4ha với trên 500 con gà thả vườn, hơn 200 con chim bồ câu, 8 con bò, hơn 700 gốc cây ổi, bưởi, xoài, mít, bơ, hồng xiêm…. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Cũng giống như ông Hợp, ông Cảnh, trở về từ cuộc chiến với những vết thương nặng, ông Dương Đình Công, ở xã Quy Kỳ (Định Hóa) cũng tích cực tham gia lao động sản xuất, chăn nuôi và trồng rừng. Từ năm 1999, ông nhận thêm công việc làm nhân viên bảo vệ cho Trường Tiểu học Quy Kỳ. Ông Công chia sẻ: Nguồn thu nhập từ nhiều công việc khác nhau không quá cao nhưng tằn tiệm cũng giúp tôi nuôi hai con học hết đại học. Hiện nay, các cháu đều có công việc ổn định trong ngành Y.

Được biết, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 6.000 thương bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh. Tuy ở các hoàn cảnh khác nhau, lại mang trong mình vết thương chiến tranh, nhưng họ vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người trong số họ là những Bí thư chi bộ, trưởng xóm gương mẫu, có người là chủ trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; có người vẫn ngày ngày tìm kiếm thông tin về những người đồng đội đã hy sinh… Điểm chung nhất của các thương binh chính là ý chí, nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn để chăm lo xây dựng gia đình, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho xã hội.

Để bù đắp những vất vả, hy sinh của các thương binh, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực chăm lo, tạo điều kiện để các thương, bệnh binh được hưởng đầy đủ các chế độ chăm sóc y tế, an dưỡng cũng như về vật chất, tinh thần. Không chỉ đối với các thương binh, công tác chăm sóc các đối tượng người có công khác cũng được tỉnh tích cực triển khai. Được biết, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 130 nghìn người có công với cách mạng, chiếm gần 11% dân số. Hàng tháng, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 21.600 đối tượng, quản lý và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho trên 80.000 đối tượng là người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. Người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm…

Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã vận động các cá nhân, cơ quan, tổ chức đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 6,3 tỷ đồng. Quỹ được sử dụng để tu bổ, tôn tạo 24 công trình ghi công liệt sĩ với tổng kinh phí trên 3,7 tỷ đồng; hỗ trợ sữa chữa và xây mới 51 căn nhà với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể của tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 108 ngôi nhà với số tiền hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng và trên 500 ngày công lao động…