Sáng 11-8, Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc. Các đại biểu chia thành 4 tổ để thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được trình tại Kỳ họp.
Trong không khí thảo luận sôi nổi và trách nhiệm, hầu hết đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của tỉnh. Theo đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nên Thái Nguyên vẫn đạt tăng trưởng 6,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Đại biểu Dương Xuân Hùng (Tổ Sông Công): Tại kỳ họp lần này, có khá nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có giải pháp căn cơ đối với vấn đề nhân lực của ngành, cụ thể là chỉ tiêu biên chế đối với giáo viên. Hiện có nhiều giáo viên dù đã đi dạy khá lâu nhưng vẫn ký hợp đồng ngắn hạn vì không có chỉ tiêu biên chế, điều này khiến họ khăn khoăn, lo lắng; không thể dành hết tâm huyết cho công việc, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. |
Các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu ngân sách đều có kết quả khả quan. Cại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn, tại hạn chế như: Tình hình dịch bệnh ở người và cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động có chiều hướng gia tăng; công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản còn hạn chế nhất định…
Đại biểu Phạm Việt Dũng (Tổ T.P Thái Nguyên): Quy hoạch 3 loại rừng hiện nay của tỉnh có nhiều sai sót, bất cập như: Cơ sở dữ liệu, bản đồ, hiện trạng rừng và tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp có sai số lớn so với thực địa; nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định của cá nhân, hộ gia đình nằm đan xen trong quy hoạch 3 loại rừng; nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp quy hoạch theo chức năng 3 loại rừng không phù hợp với tiêu chí quy định mới và điều kiện thực tế… Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thành và phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng để khắc phục những tồn tại nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế đồi rừng. |
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ thảo luận số 1.
Trong thời gian một buổi sáng, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để trao đổi, đề nghị cơ quan chuyên môn làm rõ một số vấn đề nêu trong các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết.
Đại biểu Ma Công Trình (Tổ Định Hóa): Hiện nay, nhu cầu sử dụng đất san lấp để thi công các công trình xây dựng là rất lớn, tuy nhiên số lượng mỏ đất lại quá ít, không thể đáp ứng. Riêng trên địa bàn huyện Định Hóa không có mỏ đất nào được cấp phép khai thác. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình. Tôi đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương điều chỉnh quy định liên quan đến việc cấp mỏ khai thác đất hoặc có cơ chế đặc thù trong việc khai thác đất phục vụ các công trình, dự án nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Về nội dung thảo luận, các nhóm vấn đề chính được quan tâm là: Giải pháp phát triển KT-XH cho những tháng cuối năm, việc triển khai các chương trình, dự án, chủ trương đầu tư; thực hiện chế độ chính sách…
Cụ thể như: Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá vật tư, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá bán thành phẩm lại giảm, đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ, nhất là trong khâu tiệu thụ và lưu thông sản phẩm; quan tâm hỗ trợ người tham gia vào các tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở vì nhóm đối tượng này không có trong tờ trình của UBND tỉnh.
Đại biểu Trần Văn Khương (Tổ Võ Nhai): Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh đã và đang triển khai một số dự án di dân vùng có nguy cơ sạt lở cao tại huyện Đại Từ và Định Hóa. Tuy nhiên, trên thực tế còn một số địa điểm, khu vực khác cũng có nguy cơ sạt lở rất cao, mất an toàn cho người dân. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm rà soát chi tiết, cụ thể từng khu vực để có phương án đầu tư. Những dự án này không thể triển theo hình thức dự án đầu tư thông thường, theo giai đoạn mà phải đưa vào trường hợp dự án cấp bách vì yếu tố thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp, bất thường. |
Đối với các chương trình, dự án đã có kế hoạch phê duyệt cần quan tâm bố trí kinh phí để triển khai đảm bảo tiến độ; tăng cường quản lý và lưu tâm hơn vấn đề ô nhiễm môi trường ở các dự án khai thác khoáng sản, hạn chế cấp phép cho các dự án quy mô nhỏ…
Buổi chiều, Kỳ họp tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ; báo cáo giải trình của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành về những nội dung trình tại Kỳ họp; thảo luận và thông qua một số dự thảo nghị quyết.