Lãnh đạo UBND tỉnh làm rõ nhiều nội dung quan trọng

18:19, 11/08/2021

Tại phiên làm việc chiều nay (11-8), Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV, lãnh đạo UBND tỉnh đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề quan trọng được cử tri quan tâm. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số nội dung.

Về tiến độ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của Thái Nguyên đứng thứ 3 toàn quốc với tỷ lệ đạt 60% số vốn được Chính phủ giao; tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư công đạt 95,9%.

Nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Rà soát tình hình thực hiện từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân; tăng cường phối hợp với nhà thầu lập hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán khi có khối lượng nghiệm thu, tránh để dồn vào cuối quý hoặc cuối năm; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm nộp hồ sơ thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; thường xuyên kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân người đứng đầu các cơ quan chậm thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức gây chậm trễ trong việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công theo quy định

Mục tiêu của tỉnh là phải thực hiện và thanh toán 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Địa phương, đơn vị nào không giải ngân hết kế hoạch vốn sẽ bị điều chuyển sang cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc không giải ngân hết kế hoạch vốn.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Trong ảnh: Nhà thầu tập trung thi công tuyến đường trục xã Kim Phượng (Định Hoá).

Về giải pháp chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế nhằm đảm bảo giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đến thời điểm 31-7-2021, tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đang ở mức 4.2%.

Để đảm bảo công tác chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau: Phân tích, lựa chọn, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế và tăng thu ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thu nợ cụ thể từng tháng, chi tiết đến từng đơn vị và giao đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với công tác thu hồi nợ thuế; kiên quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định.

Về khả năng cân đối nguồn lực và lộ trình thực hiện mục tiêu từ 80-90% nhà văn hóa,  khu thể thao ở thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình: Toàn tỉnh hiện có 2.240/2.335 nhà văn hóa, khu thể thao ở thôn, xóm, tổ dân phố, trong đó 32,6% nhà văn hóa, khu thể thao chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô, diện tích sử dụng. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu từ 80-90% nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Để đạt mục tiêu này, toàn tỉnh sẽ phải xây mới, cải tạo 600 nhà văn hóa, khu thể thao.

Việc bố trí kinh phí cải tạo và xây dựng mới 600 nhà văn hóa đạt chuẩn bao gồm: Ngân sách hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các xã xây dựng nông thôn mới; Vốn ngân sách của địa phương hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp trong nhân dân. Đối với các xóm, tổ dân phố chưa có quỹ đất thì các địa phương xây dựng kế hoạch quy hoạch sử dụng đất. Bố trí nguồn hỗ trợ và huy động xã hội hóa để tạo quỹ đất xây dựng nhà văn hóa.

Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, đồng chí Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giải trình: Triển khai chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã chi trả chế độ phụ cấp chống dịch cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch với tổng số tiền 37,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Đối với người lao động và người sử dụng lao động, toàn tỉnh thực hiện xong việc giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.970 đơn vị, 162.356 người lao động, tổng số tiền được giảm lũy kế gần 9,8 tỷ đồng; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất cho 1 doanh nghiệp, 260 lao động với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng...

Ngoài những chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí bồi dưỡng cho các cán bộ làm việc tại các chốt kiểm soát dịch, khu cách ly tập trung của tỉnh, với tổng số tiền vận động ủng hộ được trên 2,6 tỷ đồng.

Khi tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang diễn biến phức tạp, tỉnh đã tổ chức đón và hỗ trợ toàn bộ kinh phí cách ly tập trung, ăn, ở, xét nghiệm cho 2.202 người là công dân Thái Nguyên đang sinh sống và làm việc tại các vùng dịch trở về quê hương với tổng số tiền hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày. Đây là chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh Thái Nguyên.