Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,5%

10:51, 10/08/2021

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ tập trung nghe, thảo luận và thông qua 59 nội dung do Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan tư pháp trình tại Kỳ họp. 

Một trong những nội dung được nhiều cử tri quan tâm nhất đó là Báo cáo, tờ trình về việc thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng với sự vào cuộc quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tăng trưởng, đời sống của nhân dân được ổn định.  

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 6,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước (5,64%); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 361,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,65% so với cùng kỳ, bằng 43% kế hoạch cả năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, bằng 47,7% kế hoạch cả năm; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.478,8 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ, bằng 47,9% dự toán cả năm; giá trị sản xuất ngành Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản vẫn ước đạt gần 7.525 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ… 

Kết quả xếp hạng chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, tỉnh Thái Nguyên xếp 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 36 bậc so với năm 2019; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2019; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 87,66 điểm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, như: Có dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách triển khai còn chậm tiến độ; công tác quản lý các dự án khu đô thị, khu dân cư tại một số địa phương còn hạn chế; nhiều hoạt động giao thương hàng hóa, cung ứng thương mại, dịch vụ và hoạt động văn hóa - xã hội bị đình hoãn, gián đoạn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh và mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra…  

Trên cơ sở nghiêm túc đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, UBND tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, đưa  ra nhiệm vụ, giải pháp đúng hướng, phù hợp, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021. 

Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân tiếp tục nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới trong xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư; tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ; thực hiện tốt các chính sách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động…