Xác định hiện đại hóa nền hành chính là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử nên những năm qua, T.P Thái Nguyên đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính. Từ đó đảm bảo sự điều hành thông suốt từ tỉnh đến thành phố, phường, xã và góp phần cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện, thành phố duy trì sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc của 100% cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống văn bản được kết nối liên thông đảm bảo đúng quy định. Ứng dụng chữ ký số điện tử trong trao đổi công việc.
Riêng 9 tháng vừa qua, UBND thành phố đã ban hành trên 21.550 văn bản, trong đó văn bản điện tử chiếm tỷ lệ 30%. Cán bộ, công chức, viên chức cũng đều sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong xử lý công việc và trao đổi thông tin.
Tại buổi kiểm tra về công tác cải cách hành chính (CCHC) của T.P Thái Nguyên đầu tháng 10 vừa qua, đồng chí Ma Đình Đối, Phó Giám đốc Sở Nội vụ đánh giá: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của thành phố đã mang lại hiệu quả rõ nét, là công cụ, đòn bẩy thúc đẩy công tác CCHC trên địa bàn ngày càng đạt hiệu quả cao.
Đáng chú ý là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức cá nhân sử dụng dịch vụ công trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nên số lượng hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở thành phố không ngừng tăng qua các năm.
Hiện, Cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND thành phố đã cung cấp tổng số 156 TTHC mức độ 3 và 115 TTHC mức độ 4. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. Đồng thời, có 80% TTHC cung cấp mức độ 3,4 của thành phố được tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính, để phục vụ mục tiêu hiện đại hóa công sở, thành phố cũng dành nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới hệ thống trụ sở và cung cấp các trang, thiết bị đồng bộ, hiện đại cho bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” của UBND thành phố và các phường, xã.
Một cuộc họp của thành phố, các đại biểu được trang bị ipad cung cấp đầy đủ văn bản liên quan.
Riêng năm 2020, thành phố đầu tư gần 30 tỷ đồng cho hoạt động này. Hiện, thành phố đã công khai và giải quyết tổng số TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” là 275 TTHC (đạt 100%) và 14 TTHC theo ngành dọc.
9 tháng qua, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC của UBND thành phố đã tiếp nhận trên hệ thống phần mềm gần 8.500 hồ sơ, đã giải quyết xong trên 8.230 hồ sơ, đang giải quyết 256 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn (trong đó có 2.539 hồ sơ mức độ 3 và 25 hồ sơ mức độ 4).
Trên cơ sở những kết quả đạt được, T.P Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện Đề án CCHC giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí thực hiện trên 15,7 tỷ đồng.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có: Trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; trên 90% hồ sơ công việc cấp thành phố và 60% hồ sơ công việc cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo thành phố; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên hệ thống của tỉnh…
Đồng chí Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Cụ thể là: Hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy, ký số nhằm nâng cao chỉ số CCHC của thành phố. Đồng thời xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ nhân dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số. Song song với việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật là chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số...
Với những giải pháp đồng bộ, sát thực, tin rằng thời gian tới, T.P Thái Nguyên sẽ có những bước tiến cao hơn trong công tác CCHC, việc xây dựng chính quyền điện tử, mục tiêu hướng tới chính quyền số sẽ là điều không xa.