Ngày 8-10, tại Trường Đại học Việt Bắc (T.P Thái Nguyên), Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo đánh giá Đề án Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020; đề xuất giải pháp phát triển bền vững cây chè giai đoạn sau năm 2020 (ảnh).
Tham dự có đại diện lãnh đạo Trường Đại học Nông lâm, Đại học Việt Bắc, Hội Nông dân; các thành viên thuộc Liên hiệp Hội cùng một số đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020, ngành chè đã đã đạt được nhiều kết quả trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm. Tính hết năm 2020, diện tích chè toàn tỉnh đạt hơn 22.400ha, sản lượng đạt trên 244.500 tấn năm (tăng bình quân 3,86%/năm).
Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1ha chè đạt 270 triệu đồng/ha, vượt 100 triệu đồng/ha so với chỉ tiêu Đề án. Cùng với chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương và bà con nông dân cũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cải thiện bao bì mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà con phường Châu Sơn (T.P Sông Công) thu hái chè.
Tuy vậy, các đại biểu dự Hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận, sản xuất chè trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn ít; thiếu liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè; sản phẩm chè Thái Nguyên chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa vươn tới các thị trường quốc tế đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng…
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên trong thời gian tới, như: Tiếp tục mở rộng diện tích và chuyển đổi cơ cấu giống chè; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè; chú trọng liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chè…
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và bà con nông dân xuất đánh giá đúng thực trạng tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trong thời gian tới.