Vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện chiến trường miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ, Thái Nguyên đã bắn rơi 61 máy bay, trong đó có 2 pháo đài bay B52… Trong cuộc chiến này, trên mảnh đất Thái Nguyên có 2 sự kiện bi tráng không thể và không được phép quên, đó là: Sáng 17/10/1965, Mỹ đã huy động 29 lần chiếc máy bay, ném 116 quả bom, phóng nhiều rốc két xuống khu vực cầu Gia Bẩy và chiều tối Noel năm 1972, B52 rải thảm bom xuống Ga Lưu Xá, 60 đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915 đã hy sinh…
Mùa Hè năm 2010, trong một quán cà phê, tại thành phố San-Franxitco (Mỹ), tôi gặp được một người đàn bà Mỹ chính gốc, bà giới thiệu tên là Rô-Nan. Ông Trần Văn Đức làm thông dịch viên cho đoàn chúng tôi nói với bà Rô-Nan là tôi có ý định phỏng vấn ghi hình. Thoạt đầu bà lưỡng lự, sau chúng tôi nói rằng chúng tôi muốn biết tâm tư tình cảm của bà ấy về Noel thì bà đồng ý ngay.
- Ở Mỹ, những công dân bình thường như bà thì một năm có mấy ngày quan trọng?- tôi hỏi.
- 2 ngày- Bà Rô-Nan nói. Ngày 1 tháng 1 đầu năm và ngày Thiên chúa Giáng sinh (24-12). Ngày Noel thiêng liêng hơn, người dân Mỹ được nghỉ việc đi lễ Chúa. Ngày sinh của Đức chúa Giê su - Chúa linh thiêng của muôn người. Ngày ấy chúng tôi nghỉ ngơi, cầu nguyện cho Chúa, sám hối trước Chúa và cầu nguyện cho mình, mọi chúng sinh thái bình thịnh vượng. Tâm trạng con người nhẹ nhàng, thân thiện. Ngày ấy ai làm việc sai trái thì có lỗi với Chúa, phải bị Chúa trị tội.
- Thế bà có biết ngày Giáng sinh năm 1972, cách đây hơn 4 thập niên, chính người Mỹ đã cho máy bay B52 ném bom hòng xóa sổ Việt Nam, xóa sổ một dân tộc? Đã có hàng nghìn người chết vì bom đạn. Họ không từ cả đêm Noel.
- Có! Hồi còn trẻ tôi cũng đã nghe nói đến sự kiện ấy, đã xuống đường tại thành phố San-Franxitco để biểu tình chống nhà cầm quyền làm điều tàn ác. Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc!
Năm ấy (1972), tại Việt Nam, có một Noel màu lửa!
“Chuông rung lên, lộng gió bình minh/Chuông dội khắp, gọi hồn quá khứ/… Đây Đại đội 915 Bắc Thái/Họp con em hai tỉnh xung phong/Dù kẻ địch ngày đêm bạo ngược!/Vì tiền phương chẳng kể gian nan/Ngày 24 ngàn thu nhớ mãi/Gia Sàng nhộn nhịp, kẻ vác người khiêng/Lưu Xá tơi bời, bom rơi đạn nổ/Cả một đoàn cùng nguyện hy sinh”. Đây là một phần bản hùng văn được Giáo sư Vũ Khiêu viết năm 2009, nhân Chủ tịch nước chính thức trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại đội 915, lần đầu tiên sự kiện 60 TNXP hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hy sinh khi làm nhiệm vụ tại hậu phương được giới thiệu với đồng bào cả nước đúng với tầm vóc lịch sử của sự kiện.
Ngôi trường mang tên Đại đội TNXP 915 Anh hùng. Ảnh T.L
Khúc tráng ca về Đại đội 915 TNXP Anh hùng được bắt đầu từ tháng 4/1972, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngõ nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh biên giới phía Bắc, Thái Nguyên đã trở thành trọng điểm bắn phá của các pháo đài bay B52 trong chiến dịch dội bom mang tính hủy diệt vì 2 lý do. Thứ nhất, Thái Nguyên có trung tâm công nghiệp đầu tiên của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, những tháng cuối năm 1972, khi cảng Hải Phòng bị không quân và hải quân Mỹ phong tỏa và các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá hết sức ác liệt, tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên - Hà Nội đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho mặt trận miền Nam đánh Mỹ.
Ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên) và ga Tu Đồn (Lạng Sơn) đã trở thành hai cảng nổi của miền Bắc, hằng ngày tiếp nhận hàng ngàn tấn lương thực gửi vào tiền tuyến. Hoa Kỳ đã huy động một lực lượng không quân hùng hậu, bao gồm 4 liên đoàn không quân chiến lược B-52, 1 liên đội, máy bay F111, 5 liên đoàn không quân chiến thuật F-4 và A-7, 2 liên đội trinh sát và tác chiến điện tử SR-71, EB-66, EC-121, F-105, 2 liên đoàn tiếp dầu KC-135, 6 tàu sân bay, 135 tàu tuần dương, khu trục và tàu nổi khác. 15.237 tấn bom đạn đã được ném xuống miền Bắc Việt Nam, bên cạnh đó, các máy bay chiến thuật cũng đã ném xuống 5.000 tấn bom đạn.
Con số thống kê sau chiến dịch cho thấy, nếu tính số lượng bom trong một ngày thì có thể bằng các cuộc ném bom xuống nước Đức cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Đồng thời, nếu xét khu vực hạn chế đường kính 100km quanh Hà Nội thì chưa bao giờ có nhiều bom được ném xuống một khu vực trong thời gian hạn chế như vậy. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ đã huy động sức mạnh quân sự, tận dụng từng giờ, từng phút để “trải thảm” bom B52 xuống miền Bắc hòng đè bẹp ý chí người dân Việt Nam. Nhìn từ hành động của những người tuổi trẻ Đại đội 915 Đội TNXP Bắc Thái có thể thấy rằng, chiến lược quân sự của người Mỹ đã thất bại ngay từ lúc bắt đầu dội bom xuống miền Bắc.
Đã có ít nhất 4 lần hậu thế tổ chức lập đền, bia di tích cho nơi linh thiêng này. Để bây giờ, ngày ngày dòng người từ muôn nơi về đây, Khu di tích lịch sử Quốc gia thanh niên xung phong Đại đội 915-Đội 91 Bắc Thái, để bày tỏ niềm cảm phục, lòng biết ơn và tri ân những cô gái, chàng trai của Đại đội Anh hùng. Nơi căn hầm đau thương trong đêm Noel màu lửa năm xưa, nay trang trọng và linh thiêng với công trình tưởng niệm những người con ưu tú của đất nước.
Sự hy sinh của 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915-Đội 91 Bắc Thái là tổn thất to lớn nhất của lực lượng TNXP tại mặt trận hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Trong những năm qua, di tích đã được quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo qua nhiều giai đoạn với quy hoạch, quy mô, chủ đầu tư và nguồn kinh phí khác nhau.
Làm sao để Di tích - chứng tích lịch sử sự kiện bi tráng đêm Giáng sinh năm 1972 được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến, trở thành một trọng điểm trong định hướng phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống, một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên vẫn là trăn trở của các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Hơn nữa, các hạng mục trong Khu di tích cần tiếp tục trùng tu, tôn tạo để tương xứng với giá trị lịch sử, sự hy sinh của các đội viên TNXP và tầm vóc của một di tích lịch sử quốc gia. Năm 2018, Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử TNXP Ðại đội 915-Đội 91 Bắc Thái đã được triển khai nhằm lan tỏa giá trị Di tích. Đây là dự án 100% xã hội hóa, với nguồn đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lên đến trên 50 tỷ đồng. Khu di tích là biểu tượng sự hy sinh của 60 TNXP ngày ấy; đồng thời là biểu tượng cho lòng biết ơn của nhân dân với những người đã ngã xuống cho nền độc lập nước nhà.
Dẫn chúng tôi đi thăm công trình, với lòng thành kính, chị Vũ Thị Kim Chung, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích cho biết: Trong hơn 2 năm qua, Di tích đã đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thắp hương và tri ân. Di tích là nơi trở về của những người đồng đội TNXP, nơi hoài niệm và tự hào của tuổi trẻ, nơi tỏ lòng yêu kính của nhân dân…
Di tích lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915-Đội 91 Bắc Thái đã được nhiều cấp lãnh đạo viếng thăm, góp phần tích cực giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân cả nước. Năm 2019, phát biểu tại Lễ tưởng niệm, tri ân 60 liệt sĩ, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình xúc động nói: Tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915-Đội 91 Bắc Thái, cũng như quan tâm công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đến những cựu TNXP còn nhiều khó khăn, để phát huy và lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp, lòng yêu nước và tình yêu quê hương trở thành động lực to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, để mùa Xuân đến trọn vẹn trên quê hương này.
Cuộc chiến đã lùi xa nửa thế kỷ, Việt Nam và Hoa Kỳ đang dần khép lại quá khứ, hướng về tương lai. Nhà bia Di tích TNXP Thái Nguyên đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, và sẽ được xây dựng thành công viên lịch sử, văn hóa để ghi ơn công lao của các Anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.