Giao lưu trực tuyến về “Đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá”

05:25, 14/12/2021

Buôn lậu thuốc lá rất có sức hấp dẫn do lợi nhuận cao. Thủ đoạn hoạt động phạm tội tuy không mới nhưng rất tinh vi, thuốc lá nhập lậu vận chuyển thường bị phân tán, xé lẻ, ngụy trang kín đáo, trộn lẫn giữa các hàng hóa hoặc thuê mướn người vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau và không tập kết hàng như trước nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Điều đáng quan tâm là chính từ buôn lậu thuốc lá đã làm ngân sách Nhà nước thất thu hàng tỷ đồng tiền thuế mỗi năm. Bên cạnh đó, chất lượng không được kiểm soát của sản phẩm thuốc lá lậu trôi nổi trên thị trường là “hồi chuông” cảnh báo về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng... Mặt trận đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá tiếp tục gặp khó khăn khi từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%, vô hình trung đã tạo chênh lệch kích thích cho thuốc lá lậu hoành hành…

Vậy làm thế nào để “Đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá” chính là nội dung của Chương trình giao lưu trực tuyến trên Báo Thái Nguyên điện tử, diễn ra từ 8 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút, ngày mai (15-12).

Chi tiết tại địa chỉ: http://giaoluutructuyen.baothainguyen.vn/

Khách mời tham gia Chương trình gồm:

1. Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên.

2. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

3. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên.

Kính mời bạn đọc theo dõi và đặt câu hỏi cho các khách mời về nội dung liên quan!

Bấm vào đây để tham gia giao lưu trực tuyến

Lương Thế Ngọc: Các thành phần có trong thuốc lá truyền thống?

Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Trường: Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất, trong đó có nhiều chất gây ung thư và gây nghiện. Trong đó: Nicotinehấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi (10s đến não sau khi hít vào), tác động lên hệ thần kinh trung ương, giải phóng dopamin, serotonine, noradrenaline, … gây hưng phấn, khiến não phụ thuộc vào nicotine.

Khí CO (monoxit carbon) gắn với hemoglobin trong máu, chiếm chỗ của oxi. Các phân tử nhỏ làm thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản, gây tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy, mất các tế bào có lông chuyển, làm tăng tiết nhày dẫn đến giảm hiệu quả thanh lọc. Các chất gây ung thư (70 chất, ví dụ như Benzopyrene hay các Nitrosamine): tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp, gây viêm mạn tính, phá huỷ và biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản, ác tính hoá...

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trả lời câu hỏi độc giả gửi đến chương trình.

Liêu Thu Nga: Việc ghi nhãn, in hình cảnh báo sức khỏe trên bao bì liệu có làm gia tăng tình trạng buôn bán thuốc lá lậu hay không? Bởi thực tế hiện nay tôi thấy rất nhiều người tìm mua các loại thuốc lá không in hình cảnh báo sức khỏe?

Ông Chu Quốc Khánh: Không. Theo Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

Thuốc lá hợp pháp lưu thông trên thị trường chắc chắn phải được in các nội dung trên. Rất nhiều sản phẩm thuốc lá điếu nhập lậu cũng có in hình cảnh bảo sức khỏe nhưng vẫn được người dân tìm mua. Nhu cầu tiêu thụ thuốc lá điếu nhập lậu trông nhân dân là do ý thức sính hàng ngoại nhập (mà không biết được mặt hàng nhập lậu không được kiểm soát về chất lượng, nhiều khả năng gây hại cho sức khỏe con người) chứ không hẳn vì hình cảnh báo sức khỏe.

Mai Thu Hằng: Bỏ thuốc lá có lợi gì cho sức khỏe?

BS CKII Nguyễn Quang Hưng: Giảm tích tụ các chất độc hại; giảm nguy cơ ung thư và tim mạch; giảm nguy cơ các bệnh phổi; cải thiện sinh lý; ăn ngon miệng, tăng trí nhớ, tăng thị lực, giảm rụng tóc và bạc tóc,… Đồng thời, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Đỗ Thảo Ly: Là học sinh cháu thấy rất nhiều bạn bè của mình sử dụng thuốc lá điện tử, với nhiều hình dạng giống như chiếc bút, đèn pin… tất cả đều không rõ nguồn gốc và mua bán rất dễ dàng. Làm thế nào để ngăn chặn điều này?

Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Trường: Để ngăn chặn việc này, trước nhất cần xuất phát từ ý thức của các bạn học sinh, khi nhìn thấy bạn bè sử dụng các mặt hàng như vậy, cần khuyên bảo bạn mình không sử dụng, đồng thời báo với giáo viên về sự việc trên để Ban giám hiệu phối hợp cùng với cơ quan chức năng (Quán lý thị trường, Công an) xác minh, làm rõ các đối tượng kinh doanh, buôn bán mặt hàng thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc trên để xử lý theo quy định.

Để nâng cao ý thức cho đối tượng là học sinh, sinh viên, cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền tác hại của thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá điện tử này với sức khỏe, từ đó làm giảm nhu cầu sử dụng trong đối tượng này.

Nguyễn Duy Thành: Đơn vị có thẩm quyền xử phạt người hút thuốc không đúng nơi quy định?

BS CKII Nguyễn Quang Hưng: Điều 32. Trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định:

1. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nếu dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

3. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức việc xử lý vi phạm đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

...

7. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức, chỉ đạo, bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chủ trì, tổ chức việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định cấm thuộc địa bàn quản lý.

 

Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên trả lời câu hỏi độc giả gửi đến chương trình

Hoi Nguoi Ghet Thuoc: Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho thấy, tình hình số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực trạng hiện nay. Đặc biệt là vào dịp những tháng cuối năm, tình trạng buôn lậu thuốc lá lại gia tăng và diễn biến phức tạp. Xin ông khái quát về thực trạng vấn nạn buôn lậu thuốc lá hiện nay?

Ông Chu Quốc Khánh: Trong những năm gần đây, tình trạng buôn lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, dù Thái Nguyên không phải là địa bàn nóng, trọng điểm của vấn nạn buôn lậu thuốc lá; thường gia tăng, diễn biến phức tạp vào các dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng cao.

Lực lượng chủ công tham gia công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn chủ yếu là lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) và Công an kinh tế. Trong hai năm 2020-2021, lực lượng QLTT Thái Nguyên đã phát hiện, xử lý 15 đối tượng buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 99,5 triệu đồng, tịch thu gần 3.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại.

Tuy nhiên để ngăn chặn triệt để vấn nạn buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu thật sự là bài toán khó giải, do đây là mặt hàng buôn bán có lợi nhuận cao, kích thước nhỏ gọn, các đối tượng vi phạm trên địa bàn tỉnh đa phần là kinh doanh nhỏ lẻ nhưng cũng có thủ đoạn khá tinh vi khi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán nên rất khó khăn trong công tác nắm bắt thông tin, phát hiện vi phạm.

Lê Ngọc Minh: Những nội dung truyền thông, thông tin và giáo dục về phòng chống tác hại thuốc lá gì?

Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Trường: Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá bao gồm:

+ Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

+ Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá, môi trường sống và kinh tế, xã hội.

+ Tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả và mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội.

+ Các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá.

+ Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống tác hại của thuốc lá.

Bảo Trang: Hút thuốc lá nguy cơ mắc bệnh gì?

BS CKII Nguyễn Quang Hưng: Ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, ngoài ra còn có ung thư miệng, môi, yết hầu, bàng quang, thận, dạ dày, gan, vú và cổ tử cung,… Các bệnh về tim mạch: Cholesterol xấu ở trong máu bám vào thành mạch gây tắc nghẹn mạch dẫn đến đột quỵ.

Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn khiến tăng huy động canxi từ xương vào máu; tổn thương tế bào võng mô và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa võng mô do tuổi tác; ố vàng, hôi miệng,… Vì ảnh hưởng đến răng, tóc, da (mao mạch dưới da co lại làm hạn chế lưu lượng máu đến da) nên khói thuốc lá dẫn đến con người già hơn; tác động đến lượng máu cần thiết cung cấp để làm dãn dương vật trong sự cường dương; ảnh hưởng đến việc sản xuất estrogen...

Vương Diệu Linh: Tại sao không cấm việc sản xuất, nhập khẩu mà lại cấm thuốc lá?

Ông Chu Quốc Khánh: Luật pháp Việt Nam không cấm thuốc lá, theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thì mục đích hiện giờ đang hướng đến việc làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, có các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và phòng, chống triệt để tác hại của thuốc lá với xã hội, môi trường.

hoangthanhthao: Xin cho biết, nguồn kinh phí hiện nay của Nhà nước ta dành cho việc phòng, chống tác hại thuốc lá như thế nào?

Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Trường: Nguồn kinh phí dành cho việc phòng, chống tác hại thuốc lá trích từ ngân sách nhà nước và Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá

Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá được hình thành từ các nguồn sau đây:

- Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày 01/5/2013; 1,5% từ ngày 01/5/2016; 2,0% từ ngày 01/5/2019. Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tự khai, tự tính, tự nộp vào tài khoản của Quỹ.

- -Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

- Nguồn thu hợp pháp khác.

 

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trả lời câu hỏi độc giả gửi đến chương trình.

Nguyễn Ánh Viên: Thuốc lá từ đâu mà có? Vì sao người ta hút thuốc lá? Xin hãy cho biết tác hại của thuốc lá?

BS CKII Nguyễn Quang Hưng: Cây thuốc lá được tìm thấy ở châu Mỹ. Năm 1496-1498, một nhà truyền đạo Tây Ban Nha (Romand Pano) đem về trồng ở châu Âu. Năm 1561, Đại sứ Pháp ở Lisbone (Jean Nicot) giới thiệu bột thuốc lá với bà hoàng Catherine de Medici để giảm chứng đau đầu. Từ đó, thuốc lá lan dần trong giới quý tộc Pháp, châu Âu và các nước thuộc địa...

Có rất nhiều lý do khiến một người hút thuốc, một số gồm: Để giảm stress, điều chỉnh cân nặng, do thói quen giao tiếp... hoặc không có thuốc lá làm mất ngủ, trầm cảm, cáu gắt, bứt rứt lo âu, giảm tập trung...

10 tác hại hàng đầu của thuốc lá gồm: Ung thư, hình thành các nếp nhăn và lão hóa, suy tim, tổn thương phổi, xuất tinh sớm, RL cương dương, giòn xương, ố vàng răng, hôi miệng, gây mù lòa.

Kim Thái: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu có bị cấm?

Ông Chu Quốc Khánh: Có. “Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu” là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá số 09/2013/2012/QH13.

Dương Hồng Minh: Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Thái Nguyên đã triển khai được những hoạt động gì? Kết quả thực hiện ra sao?

Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Trường: Trong những năm qua, Được sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Ban chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Thái Nguyên đã triển khai rất nhiều các hoạt động thiết thực góp phần giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch bệnh tương đối phức tạp nên hoạt động triển khai trên địa bàn tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Diễn đàn trực tuyến trên Báo Thái Nguyên ngày hôm nay cũng là một hoạt động tuyên truyền hữu ích giúp người dân tiếp cận với các thông tin liên quan đến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngoài ra, các ngành Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Du lịch… cũng hỗ trợ triển khai nhân rộng tại các trường học, bệnh viện, cơ sở lưu trú du lịch…trong việc xây dựng mô hình môi trường “Không khói thuốc”…

Phạm Vũ Hương Chi: Xin cho biết việc việc bán thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu nào?

Ông Chu Quốc Khánh: Để bán lẻ thuốc lá, cơ sở phải được cơ quan chức năng công nhận đủ điều kiện và được cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, các điều kiện cụ thể như sau:

a) Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá;

b) Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;

c) Diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 03m2 trở lên;

d) Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá;

đ) Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phạm Minh Hiếu: Hiện nay việc quản lý các cửa hàng bán xì gà trên địa bàn thành phố được thực hiện ra sao, đây có phải mặt hàng cần được quản lý đặc biệt không?

Ông Chu Quốc Khánh: Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, xì gà chính là 1 sản phẩm thuốc lá, nên việc quản lý các cửa hàng bán xì gà cũng tương tự như những của hàng bán thuốc lá điếu thông thường, tức là muốn kinh doanh xì gà, cơ sở kinh doanh phải đáp ứng đủ điều kiện và được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

vuduyhoang1212: Xin hỏi mô hình điểm "Khu du lịch không khói thuốc" tại khu du lịch vùng hồ Núi Cốc đến nay đã có kết quả như thế nào?

Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Trường: : Việc xây dựng mô hình điểm "Khu du lịch không khói thuốc" tại khu du lịch vùng hồ Núi Cốc được Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá hỗ trợ từ năm 2020. Tuy nhiên các hoạt động hỗ trợ mới đang dừng lại ở việc đào tạo, tập huấn hỗ trợ cho Trung tâm thông tin & Xúc tiến Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch về quy trình xây dựng khu du lịch không khói thuốc.

Việc triển khai thực hiện thành công mô hình “ Khu du lịch” không khói thuốc cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự tham gia của cộng nói chung… Kết quả hiện nay của mô hình cũng chưa được đánh giá cụ thể và vẫn đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng nên chưa thể đưa ra câu trả lời kết quả hiện nay như thế nào.

Hoi Nguoi Ghet Thuoc: Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ bao nhiêu bao trở nên thì bị xử lý hình sự?

Ông Chu Quốc Khánh: Người nào có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Văn Ngọc: Thuốc lá độc hại khi được đốt cháy, nghĩa là khói thuốc lá mới là thủ phạm gây nguy hại cho sức khỏe con người, vậy tại sao khi hút thuốc lá điện tử không có khói mà lại nói thuốc lá điện tử độc hại không kém gì thuốc lá thông thường?

BS CKII Nguyễn Quang Hưng: Thuốc lá điện tử không cần phải châm lửa nên không tạo ra tro bụi, khói độc hại, khí CO2 và còn có mùi thơm tinh dầu. Nhưng bản chất dung dịch đốt là nicotine kết hợp với propylene glycol (có khả năng gây ung thư). Ngoài ra, khói thuốc lá điện tử chứa kim loại nặng như chì, cadmi niken, chromiun… và benzene, nitrosamines và formaldehyde,…

Ma Đình Quang: Trong năm 2021 Thái Nguyên có phát hiện vụ việc buôn lậu thuốc lá nào không?

Ông Chu Quốc Khánh: Trong năm 2021, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, xử lý 45 vụ việc vi phạm liên quan vi phạm trong kinh doanh thuốc lá, xử phạt tổng số tiền 78.100.000 đồng, trong đó xử lý 05 vụ buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, xử phạt số tiền 41.000.000 đồng, tịch thu 1.161 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 02 vụ kinh doanh thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt số tiền 5.000.000 đ, tịch thu 142 chiếc thuốc lá điện tử.