Toàn tỉnh hiện có 273 máy ATM, 2.274 điểm chấp nhận thẻ (máy POS) và trên 1,2 triệu tài khoản thanh toán. Những ngày giáp Tết Nguyên đán là thời điểm thường xảy ra tình trạng quá tải ở nhiều cây ATM, nhất là tại khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp. Tuy nhiên, năm nay, tần suất sử dụng dịch vụ này đã giảm đáng kể và đến thời điểm này, tại các cây ATM không xảy ra tình trạng người dân phải xếp hàng dài chờ đến lượt rút tiền.
Trong hai ngày 22 và 23 tháng Chạp, dạo quanh một vòng quanh các tuyến phố chính của T.P Thái Nguyên, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, lượng người đến giao dịch tại các cây ATM tuy tăng hơn so với bình thường nhưng không quá tấp nập. Trong khi đó, cùng thời điểm này những năm trước, số người đứng chờ rút tiền khá đông, đặc biệt tại một số cây ATM trước cửa Chi nhánh Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Thái Nguyên; NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thái Nguyên; NH TMCP Công thương (Vietinbank) Thái Nguyên, nhất là vào giờ cao điểm.
Theo thống kê của một số NH trên địa bàn tỉnh, số lượng giao dịch trong dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 giảm khá mạnh so với những năm trước đây. Đơn cử như tại BIDV Thái Nguyên, nếu như trong 20 ngày đầu tháng Chạp năm ngoái, tổng lượng giao dịch của Chi nhánh là 299.376 lượt, với doanh số 319 tỷ đồng, thì năm nay, tổng lượng giao dịch chỉ là 218.633 lượt, với tổng doanh số 253 tỷ đồng (giảm khoảng 1/3 về số lượng và 1/5 về số tiền giao dịch). Tương tự, tại Vietcombank Thái Nguyên lượt giao dịch và doanh số giảm khoảng 30-40%; Vietinbank giảm khoảng 25-30%.
Theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Thái Nguyên: Tần suất giao dịch tại các cây ATM giảm là xu thế tất yếu và cũng là điều đáng mừng, phù hợp với định hướng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Có được sự thay đổi này trước hết là do các kênh thanh toán điện tử của ngành NH ngày càng đa dạng, cùng ví điện tử ngày một “nở rộ” nên người dân đã dần thích ứng với cách trao đổi, mua bán hàng hóa qua các kênh này. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2022, một số ngân hàng lớn đã miễn toàn bộ phí chuyển tiền trên hệ thống smartbanking nên càng khuyến khích người dân giao dịch online.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng khiến tần suất giao dịch tại các cây ATM giảm, đó là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên thu nhập của người dân nói chung, công nhân viên nói riêng bị suy giảm, khó có khả năng thực hiện các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng như mức bình quân chung các năm trước… Dự báo, trong tuần cuối cùng của năm Tân Sửu, nhu cầu sử dụng ATM để rút tiền mặt sẽ tăng nhưng không quá lớn (gấp khoảng 3-4 lần so với bình thường).
Để đảm bảo các cây ATM hoạt động thông suốt, những ngày này, các NH đã bố trí bộ phận trực quản lý ATM, thường xuyên kiểm tra trạng thái online của tất cả các cây ATM để phát hiện, xử lý kịp thời mọi tình huống khi có lỗi máy, cũng như sẵn sàng tiếp quỹ, không để xảy ra tình trạng tạm ngừng phục vụ hay bị hết tiền (trừ trường hợp bất khả kháng như bị cắt điện lưới, mất đường truyền từ nhà cung cấp). Ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên cho biết thêm: Để việc rút tiền tại cây ATM của khách hàng được thuận lợi, đơn vị đã làm việc với NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh để được cung ứng tiền với đủ các mệnh giá, đảm bảo cho việc tiếp quỹ.
Còn bà Phạm Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Vietinbank Thái Nguyên chia sẻ: Ngoài việc bố trí lực lượng trực theo dõi, kiểm tra và tiếp quỹ kịp thời, đơn vị còn có bộ phận trực tổng đài nhằm hỗ trợ, giải đáp khiếu nại của khách hàng 24/7, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt. Nếu như vào những ngày giáp Tết các năm trước, trung bình mỗi ngày, đơn vị thực hiện tiếp quỹ trên 10 lần/ngày, thì năm nay, ngày nhiều nhất là 7-8 lần. Ngược lại, trong năm 2021, thanh toán qua kênh ipay của Chi nhánh tăng 91% so với năm 2020; qua kênh Efas tăng 147%…
Theo khuyến cáo của các NH, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo giãn cách xã hội trong quá trình rút tiền, hạn chế lây nhiễm nguồn bệnh, khách hàng nên hạn chế rút tiền vào các khung giờ cao điểm, tập trung đông người; tích cực sử dụng hình thức thanh toán online…