Kinh tế của tỉnh Thái Nguyên năm 2021 khép lại với nhiều gam mầu tối, sáng khác nhau bởi dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tới tất cả các lĩnh vực. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và từng người dân nên tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh được duy trì ổn định, nhiều chỉ tiêu kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước…
Sản xuất nông nghiệp vững bước
Không còn giữ vị trí số 1 về nguồn thu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng ngành Nông nghiệp vẫn là nền tảng khi giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động, giữ vài trò đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày. Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2021, các ngành chức năng, 9 địa phương trong tỉnh đều triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch mùa vụ để đảm về sản lượng, chất lượng các loại sản phẩm nông nghiệp. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, năng suất, sản lượng lúa cả 2 vụ đông xuân và hè thu của tỉnh năm 2021 đều đạt và vượt kế hoạch; các loại cây trồng khác đều duy trì được diện tích, sản lượng đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng, chăn nuôi.
Hoạt động chăn nuôi năm 2021 của tỉnh có khó khăn hơn do giá vật tư, chi phí sản xuất thức ăn công nghiệp tăng cao; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã; dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh đều đưa ra giải pháp kịp thời trong công tác dập dịch, hỗ trợ người chăn nuôi nên đã giảm bớt thiệt hại, duy trì đàn vật nuôi. Đặc biệt, từ đầu quý IV-2021, giá các loại vật nuôi dần tăng nên người chăn nuôi trong tỉnh đã có lãi. Lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh cũng có đóng góp lớn khi toàn tỉnh khai thác được hàng chục nghìn mét khối gỗ từ rừng trồng để phục vụ ngành sản xuất giấy, ván ép, vật liệu xây dựng.
Dấu ấn của nhóm ngành trụ cột
Trong năm 2021, ngành Công nghiệp của tỉnh ước tăng 7,72% so với năm 2020. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải đều tăng từ 1,8% đến trên 8%. Trong số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đã có một số nhóm tăng trên 10% so với năm 2020 và đạt trên 90% kế hoạch năm, như: Camera truyền hình, tai nghe; Vonfram và sản phẩm của Vonfram; điện thương phẩm...
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 có sự duy trì ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn ước đạt đạt 40,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm trước. Xuất khẩu hàng hoá dù chưa có sự bứt phá ngoạn mục do chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gẫy do dịch COVI-19 nhưng tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 26,24 tỷ USD, tăng 13,58% so với cùng kỳ và đạt 93,2% kế hoạch.
Ngành cơ khí chế tạo đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Ảnh: T.L
Như vậy, khối ngành các ngành trụ cột trong cơ cầu kinh tế của tỉnh năm 2021 đều có khó khăn nhất định nhưng vẫn đạt kết quả khả quan hơn rất nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh năm 2021 tăng 0,94%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua nên đã góp phần bình bình ổn giá, giữ sự ổn định xã hội trong thời điểm kinh tế khó khăn do dịch COVID-19.
Tạo đà cho năm mới
Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên năm 2021 còn bộc lộ một số hạn chế, như: Tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giá trị gia tăng thấp.
Một số ngành công nghiệp của tỉnh có giá trị gia tăng cao những năm trước thì năm 2021 lại có mức tăng trưởng âm, như: Sản xuất đồ uống, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc, thiết bị… Hoạt động thương mại, dịch vụ chưa thể phục hồi để lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là ngành vận tải, du lịch, lữ hành giảm sâu so với những năm trước.
Đây là những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh nên được các cấp, ngành, địa phương nhận định để đưa giải pháp hiệu quả, kịp thời, nhằm tạo đà cho kinh tế ngay trong quý I-2022.
Trong năm 2021, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 4.700 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2020. Đây là nguồn lực quan trọng để kích thích tăng trưởng đối với nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh.