Chưa kịp vực dậy sau "bão" COVID-19, việc giá xăng, dầu tiên tục tăng trong thời gian qua đã khiến lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Để giảm bớt những chi phí liên quan, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tăng giá cước nhằm duy trì hoạt động.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 đơn vị vận tải hành khách bằng xe taxi và xe buýt, trên 700 đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng có hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, với hơn 20.000 đầu xe…
Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu phải hoạt động cầm chừng. Sau khi hoạt động vận tải được điều chỉnh, "chớm" vận hành bình thường trở lại thì giá xăng, dầu lại liên tục tăng mạnh khiến việc kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này càng thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, chia sẻ: Đơn vị hoạt động cả vận tải hành khách và hàng hóa. Trong suốt thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi giảm số đầu xe, hoạt động cầm chừng trên các tuyến, để cố gắng tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Từ đầu năm 2022, hoạt động vận tải nói chung trở lại bình thường, dù lượng hành khách tăng chưa nhiều, nhưng đã cho thấy dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, giá xăng, dầu tăng kỷ lục, việc kinh doanh của đơn vị tiếp tục gặp thêm khó khăn, phải bù lỗ. Vì vậy, không còn cách nào khác, chúng tôi phải tăng giá cước vận chuyển. Mức tăng giá cước đối với các tuyến cố định, xe hợp đồng và xe buýt. là khoảng 15-20%, để bù chi phí xăng, dầu nên khách hàng cơ bản đồng tình.
Còn ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV taxi Mai Linh Thái Nguyên, cho biết: Nếu giữ mức giá 10 nghìn đồng/km thì tài xế không có thu nhập. Vì vậy, vừa qua, đơn vị đã có văn bản gửi Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh và cơ quan chức năng đề xuất tăng giá cước thêm 1.300 đồng/km. Việc tăng giá cước không phải để tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà chủ yếu để bù vào chi phí xăng, dầu.
Với việc giá xăng, dầu tăng mạnh, không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực vận tải hành khách mà nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng gặp khó khăn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc giãn hợp đồng với đối tác. Anh Trần Tuấn Sang, Giám đốc Doanh nghiệp Tuấn Sang (đơn vị vận tải vật liệu xây dựng) nói: Hiện nay, doanh nghiệp có 12 đầu xe vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng cho các công trình, nhưng đã tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân là do giá xăng, dầu tăng quá cao, trong khi cước giá không tăng do các công trình không thể điều chỉnh nguồn vồn đầu tư. Chi phí xăng, dầu hiện tại tăng khoảng 20% so với trước đây nên nếu không tăng giá cước thì không thể hoạt động được.
Theo ông Lê Tiến Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải ô tô Thái Nguyên: Hiện nay, Hiệp hội có hơn 50 thành viên là các doanh nghiệp vận tải. Khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều gặp khó khăn, trong đó, lĩnh vực vận tải hành khách chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng không tăng giá cước. Tuy nhiên, từ cuối tháng 1, giá xăng, dầu bắt đầu tăng mạnh, các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng không nhỏ, nhiều nhà xe còn phải bù lỗ. Đến giữa tháng 3, giá xăng dầu lập đỉnh, với ngưỡng gần 30 nghìn đồng/lít nên buộc các doanh nghiệp vận tải phải tăng cước phí vận chuyển.
Qua khảo sát của chúng tôi, việc doanh nghiệp tăng giá cước chủ yếu để bù vào chi phí đầu vào. Vì vậy, phần lớn người dân vẫn chấp nhận với việc tăng giá như trên. Còn đối với các doanh nghiệp vận tải đang thực hiện hợp đồng phục vụ công trình đầu tư công sẽ rất khó có thể tăng giá cước vì việc điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công là không hề dễ dàng.