Tiếp tục chương trình khảo sát việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, ngày 19-5, Đoàn công tác của HĐND tỉnh khảo sát nội dung này tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và phát triển 6 trường phổ thông dân tộc nội trú; đầu tư mua sắm, sửa chữa 10 trường phổ thông dân tộc bán trú, với tổng kinh phí trên 220 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án kiên cố hoá trường lớp học, Thái Nguyên đã đầu tư về cơ sở vật chất cho giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) được trên 260 phòng học, với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng. Tỉnh cũng chi trả trên 13 tỷ đồng cho công tác đào tạo cử tuyển. Toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ đối với học sinh DTTS và DTTS rất ít người mỗi năm gần 90 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ học sinh DTTS nhập học đúng độ tuổi ở cấp Tiểu học đạt trên 98%; tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ đạt khoảng 96%…
Tuy nhiên, một số điểm hạn chế là vấn đề bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp còn khó khăn; mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở vùng DTTS và miền núi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển để nâng cao chất lượng giáo dục. Thái Nguyên hiện vẫn chưa triển khai được chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh DTTS; chất lượng giáo dục ở vùng DTTS còn thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh...
Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của Sở GD&ĐT, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.