Mùa mưa bão đang đến gần, TP. Thái Nguyên đã xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó, không để bị động trước thiên tai.
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP. Thái Nguyên, cho biết: Trước mùa mưa bão, TP. Thái Nguyên đã xây dựng các phương án PCTT&TKCN. Trong đó, tập trung vào các vị trí xung yếu, trọng điểm, như: Công trình thủy lợi trọng yếu; khu vực khai thác khoáng sản; khu vực ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt, lũ quét. Với từng vị trí, thành phố đều có phương án chủ động ứng phó với tình hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả".
Đối với 4 công trình trình thủy lợi trọng yếu trên địa bàn (gồm: Đê Hữu Cầu và kè chống lũ sông Cầu; đê bối; đê Gang Thép, công trình đập Thác Huống; công trình hồ Núi Cốc), Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP. Thái Nguyên đã xây dựng tình huống sự cố giả định, từ đó lập phương án kỹ thuật; phương án vật tư, phương tiện, nhân lực; phương án huy động lực lượng tại chỗ; lực lượng hỗ trợ và lực lượng ứng phó.
Ông Lê Đức Dũng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê TP. Thái Nguyên, thuộc Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố, thông tin: Hiện, Hạt đang quản lý trực tiếp 2 tuyến đê Mỏ Bạch và Gang Thép. Hằng năm, dựa trên nhiệm vụ được giao, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện công trình đê điều trước, sau mùa mưa lũ. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án hộ đê trình cấp trên phê duyệt. Cùng với đó, công tác quản lý hoạt động xây dựng lấn chiếm đê điều cũng được tăng cường. Trong 3-4 năm trở lại đây, trên tuyến đê Mỏ Bạch và Gang Thép không xuất hiện tình trạng này.
Ngoài bảo vệ các tuyến đê, TP. Thái Nguyên còn chú trọng công tác phòng, chống thiên tai, xử lý các khu vực ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt, lũ quét. Trọng điểm là các xã, phường ven sông Cầu, sông Công, các tuyến suối, khu vực đường giao thông trên địa bàn.
Thành phố đã lập phương án giả định tình huống sự cố để xây dựng các biện pháp ứng phó, chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực. Theo đó, chủ tịch UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN 32 xã, phường đóng vai trò chỉ huy tại chỗ. Vật tư xử lý giờ đầu được đặt tại các kho ở xã, phường; mỗi đơn vị xã, phường có 1 trung đội dân quân cơ động với 22 đồng chí. Về phương tiện, các xã, phường hay xảy ra ngập úng được bố trí 31 xuồng máy; huy động 9 xe từ 16 chỗ ngồi đến xe tải 12 tấn, xe tải của các đơn vị trên địa bàn… Ngoài ra, thành phố huy động hỗ trợ của lực lượng hiệp đồng, như Sư đoàn BB346 Quân khu I, Lữ đoàn PPK 210 Quân khu I, Nhà máy cơ khí Z127… với khoảng 700 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện (xe ô tô, cuốc, xẻng, bao tải…) sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Đối với các khu vực khai thác khoáng sản, trọng điểm là bãi thải Mỏ than Khánh Hòa; khu vực khai thác than của Công ty CP Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên… thành phố chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các sự cố công trình phòng, chống thiên tai trước, trong và sau mùa mưa bão; yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên gia cố bảo vệ các công trình, đảm bảo an toàn đê chống sạt lở…
Ông Lê Ngọc Hưng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Phúc Hà, chia sẻ: Trên địa bàn xã có bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hòa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão. Trước thực trạng đó, địa phương đã khoanh vùng những vị trí dễ sạt lở, ngập úng… để kịp thời di dời các hộ dân khi cần thiết. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Mỏ để kiểm tra các khu vực xung yếu, có phương án di dời nhân dân khi mưa bão
Để xử lý các tình huống ngập úng khi xảy ra mưa bão trên địa bàn, đặc biệt là tại các xã, phường trung tâm, TP. Thái Nguyên đã rà soát, nạo vét khơi thông dòng chảy; đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra… Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ trước mùa mưa bão để xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn...