Giá phân bón tăng "sốc": Nông dân xoay xở vượt khó

07:56, 02/06/2022

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng và lập đỉnh mới, tạo nên mức giá cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con. Để thích ứng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi phương thức sản xuất để giảm thiểu chi phí đầu tư, tránh nguy cơ thua lỗ.

Gia đình chị Lương Thị Thùy, ở xóm 8, xã Phú Xuyên (Đại Từ) có 6 sào lúa và 10 sào chè. Để ứng phó với tình hình giá phân bón tăng cao, chị Thùy đã giảm tần suất, liều lượng sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân chuồng tự ủ hoặc các loại phân hữu cơ. Ngoài ra, chị cũng hạn chế thuê người thu hái mà thực hiện đổi công với bà con trong xóm để giảm bớt chi phí nhằm “lấy công làm lãi”.

Chị Thùy chia sẻ: Năm nay, giá phân bón tăng cao trong khi giá bán nông sản vẫn "giậm chân tại chỗ" nên chúng tôi phải tính toán hợp lý nhằm cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, nếu không sẽ bị lỗ. Chúng tôi hy vọng, giá phân bón sẽ giảm trong thời gian tới để bà con có điều kiện đầu tư cho sản xuất, nâng cao thu nhập.

Tương tự, đối với Hợp tác xã chè Tân Cương - Phúc Linh, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), việc sử dụng phân chuồng thay thế phân hóa học cũng góp phần giúp bà con nông dân giảm bớt chi phí sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: Để làm ra 1kg chè khô, chúng tôi phải đầu tư chi phí cho các công đoạn: Tưới nước, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu hái, sao sấy rồi đóng gói, bảo quản; trong đó, phân bón chiếm tới 50% chi phí. Chính vì vậy, từ cuối năm ngoái, khi giá phân bón tăng cao, chúng tôi đã đi mua phân hữu cơ tại các trang trại chăn nuôi, mang về ủ rồi bón cho cây. Tôi nhận thấy, mặc dù phân hữu cơ không có tác dụng nhanh như phân vô cơ nhưng lại có ưu điểm là làm cho đất tơi xốp, cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng, thân thiện với môi trường.

Nông dân xóm Văn Cường 2, xã Phú Cường (Đại Từ) dùng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ để bón cho cây chè.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá các loại phân bón trên thị trường hiện nay đều đang ở mức cao. Trong đó, cao nhất là phân Kali 18,5 nghìn đồng/kg, phân đạm 17 nghìn đồng/kg (tăng 10 nghìn đồng/kg); phân bón lót 7,5 nghìn đồng/kg, phân bón thúc 11 nghìn đồng/kg (tăng hơn 2 lần so với năm 2021). Nguyên nhân khiến giá phân bón “leo thang” là do xăng, dầu tăng giá nên cước vận chuyển cũng tăng mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai cường quốc xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, cũng dẫn đến nguồn cung phân bón toàn cầu mất cân đối.

Trước tình hình giá phân bón tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, ngành chức năng cùng với các địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các cơ sở kinh doanh, buôn bán có dấu hiệu đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, bán vật tư giả, kém chất lượng. Đối với bà con nông dân ở các địa phương cũng đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm lượng phân bón, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ, giảm sự lệ thuộc vào phân bón hóa học mà vẫn đảm bảo năng suất cây trồng.

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Thụ, Giám đốc Chi nhánh vật tư nông nghiệp TP. Phổ Yên: Thay vì mua các loại phân đơn như đạm, lân, kali về phối trộn, bà con nên sử dụng phân chuyên dùng cho từng loại cây, như lúa, chè, cây ăn quả, rau màu… để đạt hiệu quả cao nhất. Bởi phân chuyên dùng, phân NPK tổng hợp sẽ hạn chế tình trạng thất thoát phân bón do bốc hơi, rửa trôi.

Còn theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh: Áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "3 giảm - 3 tăng" (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả)... trong sản xuất nông nghiệp cũng là biện pháp nhằm giảm lượng phân bón phải sử dụng. Ngoài ra, bà con có thể tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp để ủ thành phân bón. Qua đó, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Có thể nói, thời gian qua, không chỉ riêng phân bón mà các mặt hàng đầu vào trong sản xuất nông nghiệp đều tăng giá, khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác thì đây cũng được coi là cơ hội để người nông từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giảm bớt lượng phân bón hóa học, đẩy mạnh sản xuất hữu cơ để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng đầu ra nông sản, hướng tới sản xuất bền vững.

Theo số liệu thống kê, nền nông nghiệp một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Úc… sử dụng đến 40% phân hữu cơ. Trong khi đó tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ còn rất nhỏ. Việc sử dụng phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến chi phí sản xuất cao, sản phẩm có nguy cơ tồn dư hóa chất, khó xuất khẩu.