Nhằm bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng, đảm bảo công tác chỉ đạo, thông tin ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: Để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác PCTT&TKCN, hằng năm, Sở TT&TT đều xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN, kiện toàn Ban Chỉ huy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn những doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong tỉnh triển khai phương án, bảo đảm trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng phục vụ thông tin liên lạc cho công tác chỉ đạo điều hành PCTT&TKCN hiệu quả nhất… Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Sở Nông Nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trong PCTT&TKCN tại các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn.
Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông đều đã thành lập Ban Chỉ huy và Đội thông tin, Đội xung kích PCTT&TKCN các cấp; có phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro; tổ chức kiểm tra định kỳ cơ sở hạ tầng nhà trạm, thiết bị viễn thông, phòng chống cháy nổ, cắt lọc sét, trang thiết bị, vật tư dự phòng tại các đơn vị, các công cụ phục vụ công tác PCTT… Hiện nay, trên 70% trạm thu phát sóng di động (BTS) trên địa bàn toàn tỉnh được các doanh nghiệp viễn thông triển khai tuyến truyền dẫn theo phương án vu hồi hai hướng, nhằm mục đích giảm thiểu thời gian mất liên lạc do thiên tai gây ra. 100% trạm BTS, trạm chuyển mạch được thiết kế, đầu tư mới, nâng tầng, kiên cố hóa, đảm bảo độ cao lắp đặt thiết bị. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có nhà trạm viễn thông bị hư hại khi thiên tai xảy ra.
Là một trong những đơn vị viễn thông lớn trên địa bàn tỉnh, hiện đang quản lý 4.491/8.127km tuyến cáp quang, quản lý, vận hành và khai thác 789 vị trí trạm BTS, Viettel Thái Nguyên đã chủ động xây dựng các phương án cụ thể nhằm triển khai hiệu quả công tác PCTT. Theo Giám đốc Viettel Thái Nguyên - ông Vũ Hồng Quân: Đơn vị vận dụng nguyên tắc “4 tại chỗ” để dự trù lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống; tổ chức thực hiện nghiêm chế độ trực ban chỉ huy PCTT&TKCN, trực điều hành và trực ứng cứu thông tin trong mùa mưa bão. Viettel Thái Nguyên luôn đặt mục tiêu bảo đảm an toàn mọi mặt về người, tài sản khi xảy ra thiên tai; đối với bão dưới cấp 10, đảm bảo thông tin 100% các vị trí trạm ưu tiên và trạm tính toán đảm bảo vùng phủ. Nếu bão cấp 10 trở lên, đảm bảo thông tin tất cả các trạm ưu tiên - trạm thủ phủ và trạm vùng phủ xã/phường/thị trấn; với các trạm khi bị ảnh hưởng gián đoạn thông tin, đơn vị sẽ điều hành ứng cứu theo đúng quy trình PCTT…
Trong lĩnh vực chuyển phát, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên cũng đã xây dựng kịch bản cụ thể trong từng cấp độ mưa bão, sẵn sàng bảo đảm hành trình đường thư bưu chính nội tỉnh thông suốt trong mọi tình huống. Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh, thông tin: Trong năm 2021, mặc dù thiên tai diễn ra với mức độ phức tạp, tần suất lớn và cường độ mạnh hơn nhiều những năm trước đây nhưng các đơn vị trực thuộc Bưu điện tỉnh không để xảy ra chậm trễ, mất mát, hư hỏng khi chuyển phát các công văn, tài liệu, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành PCTT&TKCN của các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương…
Để đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền trong PCTT&TKCN, Sở TT&TT cũng thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội nhà báo tỉnh và các cơ quan liên quan định kỳ tổ chức định hướng, chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh và huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác về PCTT&TKCN, các kỹ năng phòng, chống, ứng phó trước các tình huống thiên tai lớn, phức tạp. Qua đó, các cấp chính quyền cơ sở, người dân, doanh nghiệp đều đã chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó…
Trong PCTT&TKCN, việc làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, thông tin tuyên truyền có vai trò quan trọng, góp phần hạn chế thấp nhất các thiệt hại sau thiên tai. Tại Thái Nguyên, thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 đã giảm 43 tỷ đồng về tài sản và giảm 10 người bị thương so với năm 2020. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, mùa mưa bão năm 2022 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Với sự chủ động, sẵn sàng triển khai phương án ứng cứu, khắc phục sự cố thông tin liên lạc của Sở TT&TT và các đơn vị trực thuộc sẽ góp phần cùng chính quyền các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.