Toàn huyện Đại Từ hiện có gần 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tăng gần 1.300 cơ sở so với năm 2015. Hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, song cũng tạo môi trường thuận lợi để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) huyện Đại Từ đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái...
Ông Phạm Duy Bình, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 (cơ quan thường trực BCĐ 389 huyện), cho biết: Đại Từ là địa bàn rộng, với nhiều đơn vị hành chính. Những năm gần đây, việc xuất hiện của nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất với lượng lao động ngày càng đông đã kéo theo lượng hàng hóa lớn từ nhiều nguồn tập trung về đây. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng hóa phẩm cấp thấp vào thị trường, nhằm kiếm lời bất chính, phức tạp nhất là các khu vực giáp ranh với huyện, thành khác, các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống người dân còn khó khăn. Với vai trò là lực lượng chủ công trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, đơn vị đã tập trung toàn lực lượng để nắm bắt, theo dõi sát diễn biến thị trường, tích cực bám sát cơ sở nhằm ngăn ngừa hàng kém chất lượng có cơ hội len lỏi.
Đơn cử như vụ việc tại hộ kinh doanh Phan Thanh Thế, ở xã An Khánh hồi giữa tháng 5-2022. Ngay sau khi xác định dấu hiệu vi phạm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT huyện Đại Từ đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại cửa hàng có bày bán trên 330 chai trà sữa không có nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt VPHC và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Trước đó, đầu tháng 4-2022, qua công tác quản lý địa bàn và thông tin từ quần chúng nhân dân, trên cơ sở kết quả kiểm tra, lực lượng QLTT huyện cũng đã lập biên bản VPHC về hành vi mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; trình Cục QLTT tỉnh ban hành quyết định xử phạt số tiền 25 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hương, xóm Trung Tâm, xã Minh Tiến…
Liên tiếp các tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến mặt hàng dược phẩm, vật tư y tế nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ngay từ đầu năm, BCĐ 389 huyện đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất và phân loại theo từng nhóm hành vi vi phạm. Đó là: Buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; gian lận thương mại, gian lận thuế; vi phạm về an toàn thực phẩm; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Năm 2021, BCĐ 389 huyện, gồm các lực lượng: Công an, QLTT, thuế, kiểm lâm, thanh tra chuyên ngành và các lực lượng khác đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 270 vụ việc vi phạm với nhiều loại hàng hóa vi phạm như: Rượu, thịt bò, quần áo, giày dép, bột giặt giả nhãn hiệu…
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, BCĐ 389 huyện đã phát hiện, xử lý 175 vụ với gần 200 đối tượng vi phạm (tăng trên 30 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng hóa vi phạm là gần 1,3 tỷ đồng (trị giá hàng hóa vi phạm 6 tháng đầu năm 2021 là gần 100 triệu đồng).
Trong đó, lực lượng QLTT đã xử lý trên 50 vụ với tổng số tiền xử phạt, trị giá hàng vi phạm gần 300 triệu đồng.
Cùng với các hoạt động kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra thường xuyên, công tác tuyên truyền được BCĐ 389 huyện chú trọng thông qua tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong kinh doanh đối với các hộ dân; tuyên truyền lồng ghép trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, tổ chức ký cam kết không tiếp tay tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả…
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có trên 500 cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường, các thành viên BCĐ 389 huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Đặc biệt là trao đổi, cung cấp thông tin, nhất là trong một số lĩnh vực như: Khoáng sản, lâm sản, an toàn thực phẩm… Qua đó kịp thời xử lý và giải quyết các vụ việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương.
Theo thông tin từ BCĐ 389 huyện Đại Từ, thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường theo dõi, giám sát địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tập trung vào những mặt hàng “nóng” như: Thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu…