Bên lề Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, phóng viên Báo Thái Nguyên thực hiện phỏng vấn một số đại biểu về các nội dung được bàn thảo tại Kỳ họp.
Cơ sở quan trọng để tổ chức phát triển kinh tế - xã hội
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
Sau khi Kỳ họp HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện các nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập hợp tất cả các quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch chung, Quy hoạch tỉnh là tiền đề để xây dựng kế hoạch tổ chức phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Để có quy hoạch chính xác, chất lượng, trước đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tư vấn, tích cực phối hợp cùng các chuyên gia trong việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh. Nhờ vậy, vừa qua Quy hoạch tỉnh đã được Hội đồng Thẩm định cấp quốc gia đánh giá rất cao.
Tạo cực tăng trưởng phía Nam của huyện Đại Từ
Ông Phạm Quang Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ:
Với những lợi thế sẵn có của 2 địa phương, việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu sẽ là điều kiện thuận lợi để tạo cực tăng trưởng quan trọng phía Nam của huyện trong thu hút đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như: Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… Đồng thời mở rộng không gian đô thị, giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý địa giới hành chính. Đây cũng là tiền đề để huyện Đại Từ phấn đấu, phát triển trở thành thị xã trong giai đoạn 2026-2030.
Sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh tiếp tục trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ triển khai các bước tiếp theo theo quy định, tập trung vào đảm bảo bộ máy tổ chức của thị trấn sau mở rộng cũng như ổn định đời sống nhân dân.
Căn cứ pháp lý cho địa phương thu hút đầu tư
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình:
Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050, đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của các địa phương. Đối với huyện Phú Bình, Quy hoạch tỉnh đã xác định địa phương nằm trong cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh. Theo đó, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Phú Bình đã được cập nhật, thể hiện trong Quy hoạch như: Khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tập trung...
Do đó, quy hoạch tỉnh có ý nghĩa sẽ là căn cứ pháp lý để địa phương đề xuất với tỉnh các dự án đầu tư để thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển Phú Bình theo đúng định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện Phú Bình đã đề ra.
Nâng phụ cấp để công an viên thêm động lực và trách nhiệm
Ông Nguyễn Hồng Thi, công an viên xóm Hạ, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên):
Dự thảo Nghị quyết quy định số lượng, mức phụ cấp đối với lực lượng công an xã bán chuyên trách được xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần này quy định rõ số lượng mỗi 1 xóm có 1 công an xã bán chuyên trách; đồng thời nâng mức phụ cấp cho công an xã bán chuyên trách hưởng phụ cấp hằng tháng đối với xóm loại 1 bằng 1,3 lần mức lương cơ sở; xóm loại 2 bằng 1,1 lần mức lương cơ sở...
Điều này là phù hợp với thực tiễn bởi hiện nay công an xã bán chuyên trách làm việc rất vất vả do chỉ có một người, trong khi đó các xóm có địa bàn khá rộng, dân cư ngày càng đông đúc. Việc nâng phụ cấp hằng tháng đối với lực lượng công an viên sẽ góp phần giúp chúng tôi có thêm động lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại khu dân cư.