Xăng, dầu giảm giá: Doanh nghiệp “nhẹ gánh”

07:32, 14/07/2022

Từ ngày 11-7, giá xăng giảm hơn 3 nghìn đồng/lít và giá dầu cũng giảm đáng kể. Điều này khiến đông đảo người dân và doanh nghiệp vui mừng, bởi chi phí cho xăng, dầu giảm đồng nghĩa với gánh nặng kinh tế đã nhẹ bớt. Đây còn là tín hiệu tích cực, giúp các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí, dần ổn định hoạt động kinh doanh.

Anh Nguyễn Văn Toàn, tài xế hãng taxi Bình An, phấn khởi: Trước khi giảm giá nhiên liệu, tôi chạy xe 100km hết khoảng 250 nghìn đồng tiền xăng. Cũng cùng quãng đường trên, khi xăng giảm xuống mức hơn 28 nghìn đồng/lít, tôi tiết kiệm được khoảng 30 nghìn đồng. Trung bình mỗi tháng tôi chạy xe khoảng 2.500km, như vậy sẽ giảm được gần 1 triệu đồng chi phí xăng.

Sau một thời gian hoạt động cầm chừng do giá xăng, dầu tăng cao, hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sang (Đại Từ) đang tích cực chuẩn bị các phương án để các xe hoạt động trở lại. Anh Trần Tuấn Sang, Giám đốc Doanh nghiệp, chia sẻ: Là đơn vị chuyên về vận tải hàng hóa, nên khi giá dầu tăng lên mức gần 29 nghìn đồng/lít, doanh nghiệp chỉ cho 2/15 đầu xe hoạt động. Nguyên nhân là do các xe của chúng tôi chủ yếu chuyển vật liệu xây dựng phục vụ công trình đầu tư công nên dù giá xăng, dầu tăng cao, doanh nghiệp cũng không thể điều chỉnh giá cước. Nếu tiếp tục chạy tất cả các đầu xe, doanh nghiệp phải bù lỗ với mức lớn. Hiện nay, giá xăng, dầu giảm nên đơn vị đang lên phương án để 100% xe hoạt động trở lại.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi, ông Đỗ Văn Tuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Thái Nguyên, cho biết: Hiện nay, đơn vị có hơn 400 đầu xe, việc giảm giá xăng, dầu sẽ giúp chúng tôi hoạt động ổn định hơn và thu nhập của tài xế cũng tăng thêm đôi chút. Khi đó, anh em tài xế mới yên tâm làm việc.

Còn theo anh Nguyễn Văn Dân, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh (chủ hãng taxi Đại Từ): Trước đây, Công ty có hơn 40 đầu xe. Nhưng từ đầu năm nay, giá xăng, dầu tăng mạnh khiến hoạt động kinh doanh của đơn vị gặp khó khăn, nhiều xe góp cổ phần xin rút, nên hiện chúng tôi chỉ còn gần 20 đầu xe. Ở thời điểm đầu tháng 4-2022, khi giá xăng tăng lên mức 28 nghìn đồng/lít, đơn vị đã tăng giá cước dịch vụ thêm 15% để bù chi phí đầu vào.  Đến nay, dù giá xăng, dầu đã giảm nhưng đây vẫn là mức giá cao và cũng chưa thể nhận định được thị trường trong thời gian tới. Vì vậy, đơn vị chưa tính đến việc giảm giá cước.

Là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách lớn trên địa bàn tỉnh, việc xăng giảm giá hơn 3 nghìn đồng/lít đã giúp Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan giảm khá nhiều chi phí đầu vào. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty, cho hay: Xăng, dầu chiếm đến 40-45% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Ở thời điểm đầu tháng 4-2022, giá xăng ở mức hơn 28 nghìn đồng/lít, đơn vị đã tăng giá cước từ 10-15%. Từ thời điểm đó đến lúc xăng tăng giá lên mức gần 33 nghìn đồng/lít, đơn vị vẫn không tăng giá cước. Hiện nay, dù xăng, dầu đã giảm giá nhưng vẫn ở mức cao, nên đơn vị chưa nghĩ đến việc giảm giá cước mà đang chờ xem tình hình biến động của thị trường xăng, dầu trong thời gian tới rồi mới đưa ra quyết định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên, thông tin: Các doanh nghiệp vận tải vừa trải qua khó khăn “kép” do dịch COVID-19 và giá xăng, dầu liên tục tăng, đạt mức kỷ lục trong thời gian qua. Điều này buộc các đơn vị phải tăng cước phí vận chuyển để duy trì sản xuất, khi đó, người dân, tức người sử dụng dịch vụ, sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Việc giảm giá xăng, dầu từ ngày 11-7 vừa qua là tín hiệu mừng đối với các doanh nghiệp vận tải và cả người dân.

Trên thực tế, việc xăng, dầu giảm giá lần này chủ yếu là do Nhà nước giảm thuế bảo về môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu. Còn thị trường xăng, dầu thế giới hiện nay vẫn biến động phức tạp. Do vậy, các đơn vị vận tải vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm khi sử dụng xăng, dầu; đẩy mạnh ứng dựng công nghệ, chuyển đổi số nhằm giảm chi phí quản lý để duy trì hoạt động.  

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã có 18 đợt điều chỉnh với 13 lần tăng, 5 lần giảm. So với thời điểm cuối năm 2021, giá mỗi lít RON 95-III vẫn đắt hơn 6.380 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng thêm 5.230 đồng/lít; còn dầu diesel là 9.020 đồng.