Mặc dù thời gian qua vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cả xã hội quan tâm, song thực tế chưa hết khó khăn, bất cập. Một bộ phận người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành quy định chưa cao, trong khi đó hành lang pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng chưa chặt chẽ, còn lỗ hổng…
Từ năm 2019 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường Thái Nguyên đã kiểm tra gần 6.000 trường hợp liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng hóa, phát hiện và xử lý tới trên 4.600 trường hợp vi phạm với tổng số tiền thu, phạt nộp ngân sách trên 17,6 tỷ đồng.
Sở Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra 11 đơn vị và phải xử lý 4 đơn vị, nộp ngân sách trên 151 triệu đồng. Sở Y tế cũng kiểm tra gần 1.000 trường hợp, thu, phạt gần 1,8 tỷ đồng đồng…
Cùng với các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương cũng tích cực thanh, kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm. Điển hình như TP. Phổ Yên, sau khi kiểm tra 1.152 trường hợp đã xử lý tới 1.134 trường hợp, phạt trên 7,7 tỷ đồng...
Kết quả trên cho thấy, tình trạng gian lận, cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng vẫn là thực trạng đáng báo động. Có một số nguyên do như sau: Thứ nhất, ý thức tuân thủ pháp luật của không ít người tiêu dùng chưa cao, còn dễ dãi khi mua hàng, chuộng hàng rẻ, e ngại khiếu nại vì sợ tốn thời gian, công sức. Thứ hai, một bộ phận nhà sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả gây ra đối với người tiêu dùng.
Thứ ba, một số quy định hiện nay không còn phù hợp với các giao dịch, kinh doanh hiện đại. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào quy định pháp luật. Đặc biệt, các quy định liên quan đến cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo hành, thu hồi hàng hóa kém chất lượng còn nhiều lỗ hổng, khiến cơ quan nhà nước gặp khó trong quản lý.
Thứ tư, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ, khiến nhiều khiếu nại chậm được giải quyết. Một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh hoặc thiếu hóa đơn, chứng từ... gây khó khăn trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh, xử lý.
Tất cả những điều đó đang đòi hỏi các cấp chính quyền, các ngành chức năng phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... để bảo vệ người tiêu dùng. Mặt khác cần tích cực vận động, nâng cao hiểu biết của người dân, tuyên truyền để mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông thái.
Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, bình ổn giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong bảo vệ người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu về các văn bản pháp luật, chính sách và có cơ chế quản lý thông tin của người bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...