Kỳ 2: Làm gì để giảm úng ngập?
Tình trạng ngập úng mỗi khi trời mưa to đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân TP. Thái Nguyên. Để xử lý vấn đề này, thành phố đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ hành lang các công trình thoát nước.
Mỗi khi trời mưa to, khu vực ngã tư Đồng Quang, giao giữa đường Hoàng Văn Thụ và đường Lương Ngọc Quyến, thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng. |
Những nỗ lực bước đầu
Để giải quyết tình trạng ngập úng, TP. Thái Nguyên chú trọng triển khai các giải pháp như: Chỉ đạo các đơn vị có liên quan duy trì, khai thác tối đa hệ thống thoát nước hiện có, như: Hồ điều hòa, hệ thống kênh, mương, sông, cống... Đồng thời, tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống cống rãnh; từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải...
Đơn cử như trong năm 2021, thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị tổ chức nạo vét bùn đất, khơi thông gần 1.300m kênh mương cống hộp, cống ngầm của hệ thống thoát nước; nạo vét, thông hút 5.561m cống ngầm. Cùng với đó, đầu tư sửa chữa, cải tạo 510m tuyến mương thoát nước và các điểm cống bị sập; thay thế mới 100 tấm đan cống hộp; xây 16 hố ga thu nước mặt đường… với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tất Hiển, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên, chia sẻ: Mỗi khi trời mưa to, chúng tôi đều cử nhân viên, người lao động đi dọc các tuyến phố để khơi thông cống rãnh và dò tìm các cửa thu nước hàm ếch để vớt rác, giúp nước thoát nhanh. Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện việc mở hé nắp hố ga để tăng khả năng tiêu thoát nước và cắm biển cảnh báo an toàn giao thông. Trung bình mỗi năm, Công ty bố trí kinh phí hơn 10 tỷ đồng để tiến hành duy tu, nạo vét một số tuyến cống nhằm giúp việc tiêu thoát nước được thuận lợi hơn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã cố gắng khắc phục tình hình úng ngập tại một số địa điểm. Cụ thể như: Cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường và hệ thống mương thoát nước ngõ 14, ngõ 21, ngõ 70D và hệ thống thoát nước cho Trường Tiểu học Đội Cấn, phường Hoàng Văn Thụ; xử lý ngập úng khu vực ngã tư từ Quốc lộ 3 và cụm công nghiệp phường Tân Lập; xử lý ngập úng tại cổng Trường Tiểu học Nha Trang, phường Phan Đình Phùng; xây dựng hệ thống mương thoát nước, xử lý ngập úng tại tổ 6, phường Hoàng Văn Thụ…
Cùng với đó, các phường, xã đã huy động trên 10.200 lượt người dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác tại những vị trí hàm ếch, hố ga thu nước. Từ đó đã góp phần giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập tại một số vị trí.
Người lao động Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên tiến hành nạo vét cống trên một số tuyến đường của TP. Thái Nguyên. |
Theo các chuyên gia, để xử lý tình trạng ngập úng, TP. Thái Nguyên cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch hệ thống thoát nước, xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng, bản đồ dự báo ngập úng đô thị và quản lý bằng hệ thống dữ liệu số; tăng không gian mặt nước trong các đồ án quy hoạch đô thị. Đồng thời, ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước, thường xuyên thu gom bùn rác tại các hố ga, nạo vét bùn lắng trong lòng cống…
Cần "nhiều tay chụm lại"
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn thì ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ hành lang cống thoát nước của mỗi người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ngập úng. Bởi thực tế hiện nay, tại vị trí thoát nước của nhiều lưu vực đã bị công trình, nhà ở của người dân lấn chiếm, khiến dòng chảy thoát nước thu hẹp. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xả rác, vật liệu xây dựng xuống cống, thậm chí có nơi, người dân lấn chiếm hành lang cống để kinh doanh, xây dựng các công trình tạm. Để xử lý tình trạng này cần có sự quản lý sâu sát, chặt chẽ của chính quyền các địa phương.
Khắc phục tình trạng ngập úng, TP. Thái Nguyên đã tăng cường quản lý hoạt động xây dựng, rà soát các công trình xây dựng không phép, trái phép, các điểm tập kết vật liệu gây ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước; rà soát, thống kê các điểm thường xuyên ngập úng cục bộ, các điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún, mất an toàn khi mưa lũ trong đô thị, điểm dân cư tập trung.
Ông Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, cho biết: Để ứng phó với tình trạng ngập úng đô thị, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước của toàn thành phố. Từ đó, có những giải pháp đồng bộ, góp phần phát triển đô thị theo hướng bền vững. Cùng với đó, các công trình thoát nước cũng cần được nâng cấp, mở rộng để đảm bảo tiêu thoát kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Có thể khẳng định, ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường, khu dân cư là vấn đề không mới ở TP. Thái Nguyên. Và việc nạo vét bùn đất, thông hút cống ngầm, khơi thông nhiều tuyến cống hộp; cải tạo, sửa chữa các điểm cống bị hư hỏng; xây các hố ga thu nước mặt đường... đã được thành phố triển khai thường xuyên để xử lý ngập úng tức thời.
Thế nhưng, nhiều ý kiền cho rằng, về lâu dài thì vấn đề quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch ở các khu dân cư, khu đô thị cần được quan tâm hơn, đảm bảo tiến độ và đồng bộ với điều kiện hạ tầng hiện có. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lấn chiếm hành lang kênh mương thoát nước; nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, khơi thông hệ thống thoát nước ở khu dân cư…
Chỉ khi có sự vào cuộc tích cực, sát sao của TP. Thái Nguyên, các đơn vị chuyên môn và sự chung tay của người dân, bài toán chống ngập úng tại TP. Thái Nguyên mới dần được hóa giải.
(Hết)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin