Phổ Yên: Khắc phục triệt để “bệnh” chủ quan trong mùa mưa bão

Hải Hằng 09:40, 24/03/2023

Xác định công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, TP. Phổ Yên đã xây dựng phương án, triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó khi mùa mưa bão đang đến gần.

Lực lượng chức năng TP. Phổ Yên được trang bị các phương tiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão. Ảnh T.L
Lực lượng chức năng TP. Phổ Yên được trang bị các phương tiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão. Ảnh T.L

Nhớ lại mùa mưa bão năm 2022, TP. Phổ Yên là một trong những địa phương chịu hậu quả khá nặng nề. Trận mưa bão hồi tháng 7 đã làm sạt lở 200m đường giao thông, 1 nhà ở bị sập mái, 2 xe máy của người dân ở xã Phúc Tân và Phúc Thuận bị cuốn trôi, 1 cây cầu bị lũ cuốn, gần 3ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều công trình bị sạt, tường rào bị đổ. Ước tính thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng. Đặc biệt là trường hợp cháu bé 3 tuổi ở xã Phúc Thuận tử vong do nước cuốn.

Năm 2023, dự báo thời tiết diễn biến khó lường, để chủ động và thực hiện tốt công tác ứng phó với diễn biến của thời tiết, TP. Phổ Yên đã, đang chuẩn bị, thực hiện các biện pháp ứng phó.

Trước hết, thành phố xác định các công trình, vị trí, khu vực trọng điểm phòng chống thiên tai, gồm hệ thống đê Chã, đê Hà Châu, đê tả sông Công, đê kè Đô Tân – Vạn Phái, các hồ: Suối Lạnh, xã Thành Công; Nước Hai, xã Phúc Thuận; Núi Trẽ, xã Minh Đức.

Ngoài ra, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: Xóm 7, 10, xã Phúc Tân; xóm Trường Giang, xã Vạn Phái; các khu vực có khai thác mỏ đất như: Minh Đức, Phúc Thuận, Bắc Sơn, Tiên Phong… các đường tràn kết hợp giao thông, khu vực dễ xảy ra ngập úng như tại: Tân Phú, Nam Tiến, Đắc Sơn, Vạn Phái, Phúc Tân, Ba Hàng…

Thành phố thực hiện rà soát toàn bộ các khu vực trên để xác định những nguy cơ, điểm xung yếu, từ đó có biện pháp khắc phục và xây dựng phương án, giải pháp phòng, chống thiên tai đối với từng địa bàn, từng khu vực.

Ông Ngô Văn Do, Bí thư Đảng ủy phường Tân Phú, cho biết: Tân Phú được xác định là khu vực trọng yếu dễ xảy ra ngập lụt, bởi không có sông Cầu chảy qua và hệ thống kênh mương hồ Núi Cốc dày đặc. Do đó, phường đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đối với 4 tình huống cụ thể. Tập trung vào tình huống khi nước sông Cầu lên trên mức báo động 3, làm ngập thôn Phú Cốc và một phần thôn Vân Trai. Để ứng phó, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phường sẽ chỉ đạo cắt toàn bộ hệ thống điện để đảm bảo an toàn, huy động lực lượng xung kích trên 30 người, 3 thuyền máy và một số thuyền nhỏ di chuyển đưa người và tài sản đến địa điểm sơ tán là Trường Tiểu học và THCS Tân Phú.

Với phương châm lấy phòng là chính, TP. Phổ Yên chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh, khắc phục triệt để “bệnh” chủ quan, luôn luôn “bật chế độ” sẵn sàng khi có tình huống xảy ra.

Ông Lê Văn Bảy, Chủ tịch UBND phường Đắc Sơn, thông tin: Ngoài xây dựng phương án ứng phó, chúng tôi đã tuyên truyền để người dân hạn chế đi lại ở những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập nước mỗi khi thời tiết diễn biến bất thường. Cùng với đó, phường đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội xung kích, đội cứu nạn, tổ thông tin liên lạc; tổ chức tập huấn cho nhân dân nâng cao nhận thức, năng lực về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương, TP. Phổ Yên đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ vật tư, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” khi thiên tai, đặc biệt là các phương án ứng phó khi có bão lũ xảy ra.

Hiện nay, các xóm, tổ dân phố đang tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, phát quang cây cối, đồng thời đặt biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm. Các lực lượng Quân sự, Công an cùng nhân dân luôn trong tâm thế sẵn sàng huy động người, phương tiện, vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để tham gia ứng cứu kịp thời, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.