Thái Nguyên: Phấn đấu tăng thu ngân sách khoảng 11%

Thu Hằng 21:28, 22/03/2023

Chiều 22-3, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành liên quan và những địa phương có số thu lớn để kiểm điểm tiến độ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong quý I/2023.

 

Năm 2023, dự toán thu ngân sách của tỉnh được Bộ Tài chính giao là 19.564 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 20.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 16.910 tỷ đồng (loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 12.097 tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.090 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 3, dự ước thu ngân sách toàn tỉnh đạt 3.283 tỷ đồng, bằng 16,4% dự toán năm tỉnh giao, chưa đạt tiến độ bình quân chung của năm. Trong đó, tiền thu từ thuế, phí cơ bản đảm bảo kế hoạch; thu từ tiền sử dụng đất đạt thấp.

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương và sở, ngành liên quan báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ thu; đồng thời đề xuất một số giải pháp để đảm bảo tiến độ thu, đặc biệt là thu từ tiền sử dụng đất. Trong đó, cơ quan Thuế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu cho từng tháng, để kết thúc 6 tháng đầu năm số thu toàn tỉnh đạt ít nhất 50% dự toán năm được giao, cả năm hoàn thành nhiệm vụ thu do HĐND tỉnh giao.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, vào cuộc của các cấp, ngành trong việc chủ động, theo sát từng nguồn thu. Đồng chí nhấn mạnh: Trong 2 năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kết quả thu ngân sách của tỉnh tuy đạt kế hoạch, nhưng so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX thì chưa đảm bảo. Do đó, 3 năm còn lại của nhiệm kỳ (2023-2025), thu ngân sách toàn tỉnh phấn đấu tăng từ 10-11%/năm. Chính vì thế, cơ quan Thuế, Chi cục Hải quan và các địa phương cần nỗ lực rà soát các nguồn thu; làm tốt công tác thanh, kiểm tra để thu đúng, thu đủ. Đồng thời tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Riêng đối với các dự án định giá đất, cấp, ngành liên quan cần lựa chọn 5 phương pháp, sau đó loại trừ để tìm ra 2-3 phương pháp tối ưu nhất rồi đưa vào tính giá. Sau đó sẽ lựa chọn phương pháp có giá tốt nhất cho Nhà nước để đưa vào đấu giá hoặc đấu thầu. Đối với đề xuất của các địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành quan tâm phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời những vướng mắc…