Thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng: Nơi quyết liệt, nơi không

Hạ Liên 09:17, 03/03/2023

Sau 2 năm thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên về thực hiện thanh toán qua ngân hàng (NH) đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch 55), đến nay, bên cạnh những kết quả rất tích cực vẫn có phần việc chưa đảm bảo tiến độ. Thực tế này rất cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ nhiều phía.

Phần lớn khách hàng của Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên vẫn nộp tiền mặt tại quầy thu hoặc qua tài khoản cá nhân của nhân viên Công ty.
Phần lớn khách hàng của Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên vẫn nộp tiền mặt tại quầy thu hoặc qua tài khoản cá nhân của nhân viên Công ty.

Theo Kế hoạch 55, đến quý IV/2025, toàn tỉnh sẽ đạt các mục tiêu chủ yếu như: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản điện tử trên 80%; 100% giao dịch nộp thuế thực hiện qua NH; ít nhất 96% cá nhân, hộ gia đình ở thành phố nộp tiền điện, nước qua NH; 100% trường đại học, cao đẳng, trung cấp; 25% trường phổ thông trung học chấp nhận thanh toán học phí qua NH, 96% trở lên số sinh viên nộp học phí qua NH; 100% bệnh viện chấp nhận thanh toán viện phí qua NH; tối thiểu 50% bệnh nhân chi trả viện phí bằng phương thức không dùng tiền mặt; 80% trở lên số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua NH.

Tính đến đầu tháng 2-2023, hệ thống NH trên địa bàn đã mở trên 1,6 triệu tài khoản thanh toán, cho khoảng 800.000 người, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản đạt 81%, vượt 1% kế hoạch cả giai đoạn.

Dịch vụ thu ngân sách, thanh toán tiền điện đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, 100% cơ sở giáo dục, cơ sở y tế trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí, viện phí qua NH.

Để đạt được kết quả này, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Thái Nguyên: Các NH thương mại trên địa bàn đã tăng cường đầu tư, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại và cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán đa dạng, phù hợp, dễ sử dụng, đáp ứng yêu cầu thanh toán cho các loại hình khách hàng. Đồng thời tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ NH, triển khai các ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như: Quét QR Code, ví điện tử… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán (điện, nước, học phí, điện thoại, Internet, viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội); tiếp tục đầu tư lắp đặt, mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) tại Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học, các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, các điểm giao dịch của Công ty Điện lực, công ty cấp nước, điểm thu thuế….

Nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên hướng dẫn khách hàng các thao tác chuyển khoản trên thiết bị di động.
Nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên hướng dẫn khách hàng các thao tác chuyển khoản trên thiết bị di động.

Tính đến đầu tháng 2-2023, toàn tỉnh có 291 máy ATM, 2.901 máy POS với 2.776 đơn vị chấp nhận thẻ. Các NH cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ công trong và ngoài địa bàn ký kết thỏa thuận phối hợp để thực hiện đẩy mạnh thanh toán qua NH đối với một số dịch vụ công. Hệ thống thiết bị được kết nối liên thông để phục vụ thanh toán qua NH một cách dễ dàng, thuận lợi.

Bà Nguyễn Thanh Hà, tổ 1, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Ban đầu, việc đóng tiền học cho các con qua NH rất vất vả, nhưng sau đó, NH đã cải tiến cách nộp giống như chuyển khoản thông thường nên giờ việc đóng học cho con rất tiện lợi. Ngoài ra, việc các NH không còn tính phí chuyển khoản cũng đã giúp các giao dịch của tôi trở nên thường xuyên hơn... Tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập trong việc chuyển khoản. Lần thì không chuyển được do hệ thống báo lỗi, lần thì tài khoản của tôi đã bị trừ mà người bán lại không nhận được nên tôi phải gọi người thân mang tiền mặt đến thanh toán. Ngoài ra, vẫn còn nhiều người bán hàng chưa chấp nhận thanh toán điện tử nên tôi vẫn phải đổi tiền mặt để dùng…

Đồng tình với nhận xét trên, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, cho biết: NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các NH trên địa bàn hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử để phục vụ việc thanh toán dịch vụ công cũng như trong hoạt động thương mại của người dân, doanh nghiệp; mở rộng mạng lưới thiết bị thanh toán thẻ tại các đơn vị, địa điểm cần thiết; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho các giao dịch, tạo sự tin tưởng, giúp người dân yên tâm khi sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, ông Bùi Văn Khoa cũng thẳng thắn cho rằng: Tỷ lệ bệnh nhân thanh toán viện phí qua NH hiện mới đạt 36% kế hoạch; thanh toán tiền nước mới đạt 19,32% kế hoạch và việc thực hiện dịch vụ chi trả an sinh xã hội còn thấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản do một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt triển khai nội dung này.

Có thể nói, thanh toán nói chung, thanh toán đối với các dịch vụ công qua NH nói riêng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia. Thái Nguyên cũng đã và đang bắt nhịp xu hướng này với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tình trạng một số cơ quan, đơn vị chưa mặn mà với việc thanh toán này vẫn còn, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu chung của tỉnh, giảm tính minh bạch trong hoạt động của các đơn vị liên quan…

Thực tế này rất cần sự quan tâm, quyết liệt và những cách làm sáng tạo hơn nữa cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị liên quan. Có như thế, các chỉ tiêu đạt thấp mới mong hoàn thành và hoàn thành vượt mức, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.