Võ Nhai đặt nền móng cho "ngành công nghiệp không khói"

Hoàng Hưng 08:05, 02/03/2023

Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai hiện vẫn còn khá mới mẻ. Chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực để dần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện và là điểm đến của du lịch Thái Nguyên vào năm 2025. Theo đó, huyện đặt mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, thân thiện với môi trường, tạo dựng được thương hiệu và thu hút 260 nghìn lượt du khách, đạt doanh thu gần 8 tỷ đồng/năm...

Năm 2022, Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng đón 114,8 nghìn lượt khách với doanh thu đạt gần 8 tỷ đồng
Năm 2022, Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng (Võ Nhai) đón 114,8 nghìn lượt khách, doanh thu đạt gần 8 tỷ đồng.

Mới đi vào hoạt động, đón khách từ dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm 2022, tính đến hết năm, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã thu hút được trên 1,1 nghìn lượt khách, đạt doanh thu khoảng 350 triệu đồng. Con số này tuy còn khá khiêm tốn trên “bản đồ” du lịch, cộng thêm với việc hoạt động trong giai đoạn "hậu" COVID-19, nhưng từ kết quả này cho thấy đây là một điểm du lịch tiềm năng, cần được tập trung đầu tư khai thác tốt hơn nữa.

Trên thực tế, xóm Mỏ Gà có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Đó là cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, người dân còn lưu giữ được bản sắc văn hoá truyền thống. Trong khu vực lân cận xóm có tài nguyên du lịch lớn là các di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà...

Trên cơ sở đó, huyện Võ Nhai và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã phối hợp triển khai Dự án Bảo tồn bản truyền thống dân tộc Tày tại xóm Mỏ Gà. Dự án có tổng mức đầu tư trên 8,6 tỷ đồng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ những nỗ lực không ngừng của cơ quan chức năng và bà con nhân dân, cuối năm 2022, xóm Mỏ Gà chính thức được UBND tỉnh quyết định công nhận là Điểm du lịch cộng đồng.

Ông Lành Văn Hữu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Phú Thượng - đơn vị quản lý, vận hành Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, chia sẻ: Đây là cơ hội lớn đối với 173 hộ dân trong xóm để có thể tăng thêm thu nhập với loại hình kinh tế mới mẻ này. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương để Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Mới đi vào hoạt động, đón khách từ dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm 2022, tính đến hết năm, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã thu hút được trên 1,1 nghìn lượt khách, đạt doanh thu khoảng 350 triệu đồng.

Cũng nằm trên địa bàn xã Phú Thượng, Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng đã được đầu tư hơn 40 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 6-2019 với không gian sinh thái, quần thể rừng - suối - hang động đặc sắc. Trong đó, suối Mỏ Gà là một hang nước độc đáo, được các chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh đánh giá có cơ hội lớn để phát triển du lịch mạo hiểm.

Với những lợi thế sẵn có, đây không chỉ là trọng điểm du lịch của huyện Võ Nhai mà còn có thể trở thành một trong những điểm du lịch nổi bật của tỉnh, đón nhiều du khách đặc biệt là trong những ngày lễ, dịp hè. Năm 2022, Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng đón 114,8 nghìn lượt khách, với doanh thu đạt gần 8 tỷ đồng.

Ông Nông Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Hoa - đơn vị chủ quản Khu du lịch Phượng Hoàng, cho biết: Mới đây, chúng tôi đã đầu tư thêm hàng tỷ đồng xây dựng một số nhà sàn theo kiến trúc đặc trưng của người dân tộc thiểu số địa phương để phục vụ khách lưu trú cộng đồng. Doanh nghiệp cũng bổ sung các trải nghiệm văn hóa như: giã bánh dày, làm cơm lam, biểu diễn hát Then… phục vụ du khách.

Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 82 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 5 di tích cấp Quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Cùng với hai điểm du lịch trên, huyện cũng ghi nhận khá đông du khách đến nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn các xã: Thần Sa, Phú Thượng, Thượng Nung, Tràng Xá… trong năm 2022.

Theo thống kê, năm 2022, toàn huyện Võ Nhai đón gần 120 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp gần 10 lần so với năm 2021 và đạt 70% so với năm 2019 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Đặc biệt, tuy lượng khách thấp hơn năm 2019 nhưng doanh thu từ du lịch năm 2022 tăng hơn 2 lần, đạt trên 9 tỷ đồng.

Sau khi khảo sát chuyên sâu, Đoàn chuyên gia hang động người Anh đánh giá hang suối Mỏ Gà có thể mở tour du lịch mạo hiểm, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Trên thực tế, lượng khách du lịch đến với Võ Nhai và doanh thu ước có thể cao hơn con số trên bởi Phòng Văn hóa và Thông tin huyện mới chỉ căn cứ trên số liệu của Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng và Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà để làm số liệu thống kê. Tại các điểm di tích, du lịch sinh thái còn lại trên địa bàn, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã dành hàng tỷ đồng kinh phí để tôn tạo, sửa chữa, làm biển chỉ dẫn vào các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Địa phương cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn tạo một số di tích, đường vào di tích phục vụ khách du lịch.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Võ Nhai có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch như: hệ sinh thái tự nhiên rừng, suối, thác, hang động; sản phẩm nông - lâm nghiệp; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc... Với định hướng phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản, bản sắc văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm nông - lâm nghiệp đặc trưng của địa phương nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi sẽ tận dụng, khai thác tối đa nguồn lực hiện có của địa phương để gắn với phát triển du lịch. Huyện phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành một ngành kinh tế của địa phương và trở thành điểm đến của du lịch Thái Nguyên vào năm 2025...