Trong khi dư luận còn chưa hết bức xúc với hành vi cố tình buôn bán gần 3 tấn thịt lợn "bẩn" tại chợ Đồng Quang và cho rằng mức xử phạt vi phạm hành chính trên 108 triệu đồng là quá nhẹ, thì lại có thêm 1 vụ vận chuyển 2 tấn tai lợn "bẩn" khác cũng khiến dư luận hết sức quan tâm. Và lần này, nhiều người còn bức xúc hơn khi biết nhiều khả năng sẽ không có ai bị xử lý. Tại sao lại như vậy và đâu là những bất cập trong quy định của pháp luật?
Mặc dù lực lượng chức năng phát hiện vụ vận chuyển 2 tấn tai lợn "bẩn" nhưng nhiều khả năng sẽ không có ai bị xử lý trong vụ việc này. |
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 13-10 vừa qua, nhận được tin báo, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tiến hành dừng chiếc xe tải biển kiểm soát 89C-24366 tại khu vực bắt đầu lên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (thuộc phường Tân Long, TP. Thái Nguyên). Lúc này, trên xe chở thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ nên Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 đã bàn giao phương tiện và hàng hóa trên xe cho Đội QLTT số 2 để xử lý theo quy định.
Theo lời khai của lái xe Trần Văn Hoàng, trú tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình: Hoàng chỉ là người chở hàng thuê cho một người không rõ địa chỉ. Hai bên liên hệ với nhau qua điện thoại. Sau khi được Hoàng báo tin số hàng đang bị lực lượng QLTT tạm giữ và nhắn chủ hàng đến làm việc thì người này đã lập tức khóa máy, không liên hệ được.
Toàn bộ 2 tấn tai lợn trên xe đều đã biến đổi màu sắc, bốc mùi khó chịu, nên ngay tối 14-10, Hội đồng tiêu hủy đã buộc phải tiến hành tiêu hủy số hàng hóa này.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc, ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 2, cho biết: Sau khi đấu tranh với lái xe, chúng tôi xác nhận Hoàng chỉ là người chở thuê, trong khi chủ hàng lại không liên hệ được. Vì thế, khi làm xong các thủ tục cần thiết, chúng tôi buộc phải cho lái xe về mà không xử phạt được lỗi vi phạm hành chính nào. Bởi theo quy định của pháp luật, chỉ những người vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, kể cả cố tình hay vô ý, thì mới bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn trong trường hợp này, mặc dù số tai lợn không còn đảm bảo an toàn thực phẩm, gây nguy hiểm cho người dùng, nhưng lại thuộc loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vì thế lái xe không bị xử phạt.
Ông Trần Khánh Phương cho biết thêm: Chúng tôi đã thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng để yêu cầu chủ hàng đến làm việc trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế này, chủ hàng thường không đến nhận. Chính vì thế nên với hầu hết các trường hợp vi phạm tương tự, rất ít khi cơ quan chức năng xử phạt được những người có liên quan.
Trở lại vụ cố tình buôn bán gần 3 tấn thịt lợn "bẩn" của bà Nguyễn Thị Quy tại chợ Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) bị phát hiện hôm 23-9. Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh, bà Quy bị phạt 108.250.000 đồng cho 3 hành vi vi phạm. Cùng với đó là phải chi trả mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, đến nay bà Quy chỉ chấp hành nộp phạt 108.250.000 đồng, chưa chịu chi trả số tiền 8 triệu đồng mà cơ quan chức năng đã phải ứng trước để thực hiện việc tiêu hủy thịt lợn "bẩn" (gồm thuê người dỡ thịt từ các tủ đông, thuê xe vận chuyển, chôn lấp…). Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng chỉ có thể thực hiện việc cưỡng chế đối với hành vi không chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính, chứ không có quy định cưỡng chế thực hiện các biện pháp tiêu hủy.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải thay đổi một số quy định, như: Có chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với cả những người vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nếu cơ quan chức năng không xác định được chủ hàng là ai, để nâng cao ý thức trách nhiệm của những người làm dịch vụ vận chuyển. Vì rõ ràng trong trường hợp này đã có hành vi vi phạm nhưng lại không có ai phải chịu trách nhiệm.
Cùng với đó là có chế tài xử lý đối với những trường hợp không chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền; có cơ chế đặc thù cho việc tiêu hủy đối với một số loại hàng hóa (trong đó có thực phẩm) với số lượng lớn…
Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định: Người kinh doanh, cố ý vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu thì tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 100.000.000 đồng và có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vận tải vi phạm… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin