Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và của những hộ dân được vay, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (GQVL) luôn phát huy rất tốt hiệu quả, giúp người dân có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, đây vẫn là nguồn vốn thiếu nhiều nhất trong số các chương trình cho vay của NHCSXH.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH TP. Phổ Yên giải ngân nguồn vốn GQVL vừa được tỉnh cấp bổ sung 45 tỷ đồng cho các xã, phường trên địa bàn. |
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Thái Nguyên được NHCSXH Trung ương cấp bổ sung 459 tỷ đồng, trong đó có 290 tỷ đồng vốn cho vay GQVL. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của người dân thì nguồn vốn này hiện mới đáp ứng được khoảng 45-50%.
Tìm hiểu thực tế tại TP. Phổ Yên - một trong những địa phương có nhu cầu vay vốn GQVL lớn nhất tỉnh, chúng tôi được biết: Tính đến giữa tháng 11-2023, tổng nguồn vốn cho vay GQVL trên địa bàn thành phố là 163 tỷ đồng, với 2.276 hộ còn dư nợ (trung bình mỗi hộ được vay 71,6 triệu đồng).
Bà Nguyễn Thị Mười, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TP. Phổ Yên, cho biết: Nhu cầu đối với nguồn vốn GQVL trên địa bàn thành phố nói riêng, cả tỉnh nói chung ngày càng tăng. Nguyên nhân là do số hộ bị thu hồi đất phục vụ các dự án tăng nên nhiều hộ có nhu cầu vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp hoặc kinh doanh, dịch vụ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, TP. Phổ Yên có 7 xã lên phường nên người dân các địa phương này không còn được vay vốn theo một số chương trình như nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn... 5 xã còn lại hiện đã về đích nông thôn mới nên một số chương trình cho vay cũng không còn. Số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo giảm mạnh nên nhiều hộ không còn được vay vốn tại NHCSXH.
Còn theo anh Vũ Xuân Thùy, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thượng Vụ 1, xã Thành Công (TP. Phổ Yên): Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm có hơn 40 hộ hội viên, nhưng chỉ có hơn 10 hộ được vay vốn GQVL, đáp ứng được khoảng một nửa số hộ có nhu cầu. Đây đều là các hộ có sức khỏe, có khả năng lao động nên hiệu quả sử dụng vốn khá tốt. Nhờ đó, nhiều năm liền trong tổ không có nợ xấu.
Cũng theo chia sẻ của anh Thùy và nhiều hộ vay, lãi suất cho vay của NHCSXH ưu đãi hơn hẳn so với các NH thương mại; thời gian vay kéo dài, trung bình từ 3-5 năm, thậm chí lên tới 7-10 năm nếu trồng rừng. Thủ tục vay đơn giản, thuận tiện, không cần thế chấp tài sản; được giải ngân và trả nợ gốc tại xã; tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ NHCSXH dễ gần, thân thuộc…
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh: Hiện nay, Chi nhánh thực hiện cho vay 20 chương trình, với tổng nguồn vốn được giao quản lý là 4.608 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay GQVL là 961 tỷ đồng, chiếm gần 21% trong tổng nguồn vốn. Qua tổng hợp nhu cầu vay vốn của các địa phương theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong 2 năm 2022-2023 của cả tỉnh là 1.058 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, NHCSXH tỉnh mới được NHCSXH Trung ương cấp 410 tỷ đồng nguồn vốn cho vay GQVL. Do đó, nhu cầu về vốn đối với chương trình này hiện rất thiếu. Vì thế, đại diện NHCSXH tỉnh mong muốn được tỉnh bổ sung thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay theo chương trình này.
Được biết, hiện nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương (gồm cả cấp tỉnh và cấp huyện) ủy thác sang NHCSXH tỉnh đạt trên 203 tỷ đồng, chiếm 4,4% trong tổng nguồn vốn của NHCSXH. Trong khi đó, tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 10,8%. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin