Thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt được những kết quả tích cực ở các lĩnh vực. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có bước tiến nhanh, được xem là giải pháp then chốt trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng chính quyền điện tử. Đến nay, khả năng cung cấp, đáp ứng dịch vụ trên cổng DVCTT của tỉnh khá cao, vậy nhưng tỷ lệ người dân, tổ chức sử dụng chưa được như kỳ vọng.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Riêng lĩnh vực CCHC, cụ thể là việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên cổng DVCTT đã được các cấp, ngành đẩy mạnh và đạt kết quả rất đáng mừng.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Đến nay, Thái Nguyên có 61 DVCTT mức độ 3 và đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện (với 1.231 thủ tục) lên DVCTT mức độ 4 (trong đó, cấp tỉnh là 1.072 thủ tục; cấp huyện là 115 và cấp xã là 44 thủ tục) cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên. Tích hợp và cung cấp 1.036 DVCTT tỉnh Thái Nguyên lên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ http://dichvucong.gov.vn để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (từ ngày 01/01/2022 đến 03/3/2022), tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến của Thái Nguyên là 12,18%, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của tỉnh Thái Nguyên là 46,36%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thống kê trên toàn tỉnh (từ ngày 01/01/2022 đến ngày 18/3/2022), tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến của tỉnh là 12,22% (tổng số DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 158; tổng số DVCTT là 1.292); lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của tỉnh đạt 47,75%. Số lượng tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC thời gian qua cho thấy: Năm 2021 đã giải quyết đúng hạn: 983.174/984.455 hồ sơ (đạt 99,87%). Riêng từ đầu năm 2022 đến hết ngày 30-3, cổng DVCTT đã giải quyết đúng hạn 153.201/153.465 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,83%). Như vậy, Thái Nguyên đã và đang có sự phát triển nhanh trong việc giải quyết hồ sơ TTHC trên cổng DVCTT.
Sau khi được hướng dẫn, người dân có thể tự mở tài khoản trên cổng DVCTT để đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng.
Khi sử dụng DVCTT, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các TTHC. Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chỉ cần có máy tính, điện thoại kết nối internet thì có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày mà không cần đến cơ quan hành chính…
Tiện lợi là như vậy nhưng hiện nay nhiều người vẫn đến bộ phận một cửa để giao dịch theo cách truyền thống. Khảo sát tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của UBND cấp huyện, xã, chúng tôi nhận thấy, số lượng người dân trực tiếp đến làm các TTHC vẫn khá đông.
Ông Hoàng Văn Phú ở xóm Làng Hoèn, xã Phúc Chu (Định Hóa), đến Bộ phận Một cửa UBND xã để đăng ký khai tử cho người thân đánh giá rất hài lòng về thái độ phục vụ, tinh thần làm việc của công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên nói đến DVCTT thì ông lại khá lạ lẫm, vì khả năng nắm bắt công nghệ kém cộng với thiếu phương tiện. Do vậy, ông chấp nhận bỏ thời gian, công sức đến UBND để làm trực tiếp.
Không chỉ người dân miền núi, vùng sâu, xa mà không ít người sinh sống ở thành thị, thậm chí là cán bộ, công chức, viên chức chưa biết hoặc ít quan tâm đến DVCTT. Điển hình như chị Nông Thị Ch., giảng viên của một trường đại học trên địa bàn T.P Thái Nguyên đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đăng ký giấy phép hành nghề là một ví dụ. Chị Ch. cho biết: Tôi chưa biết đến DVCTT và những tiện lợi của nó. Do vậy, tôi nghĩ mình phải trực tiếp đến Trung tâm để thực hiện theo cách truyền thống.
Mục tiêu của tỉnh trong năm 2022 là phấn đấu nâng tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến lên 55%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các sở, ngành chuyên môn đã tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan này cũng đang xây dựng đề án, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết cắt giảm một số loại lệ phí thuộc thẩm quyền để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT.
Về việc hỗ trợ người dân, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Không chỉ các công chức làm việc tại Trung tâm mà tất cả cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ cấp tỉnh (sở, ngành) đến cấp xã đều được mở tài khoản để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC trên cổng DVCTT. Bên cạnh đó, mỗi công chức có trách nhiệm hướng dẫn, giúp người dân mở tài khoản trên cổng DVCTT khi có yêu cầu.
Còn anh Nguyễn Học Thông, công chức Sở Tư pháp trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chia sẻ: Ngoài việc trực tiếp tiếp nhận giải quyết thủ tục cho người dân, tôi cũng thường xuyên hướng dẫn họ việc lập tài khoản để đăng ký giải quyết các TTHC trên cổng DVCTT. Có người lại gọi điện hỏi, tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ... Nhiều người sau khi được hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản đã thực hiện nộp hồ sơ trên cổng DVCTT. Một điều thuận lợi nữa là hệ thống DVCTT của tỉnh đã được kết nối với hệ thống dịch vụ bưu chính công ích nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC.
Như vậy, về cơ bản, con người, hạ tầng cho DVCTT của tỉnh đã sẵn sàng đáp ứng. Tuy nhiên, để DVCTT phổ cập đến mọi người dân, doanh nghiệp thì công tác tuyên truyền, phổ biến vẫn rất quan trọng. Bên cạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc phổ biến, quán triệt trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể… cũng sẽ là kênh quan trọng để DVCTT được “phủ sóng” sâu rộng hơn, từ đó dần “soán ngôi” cách làm tuyền thống.