Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XVIII, một trong những kết quả nổi bật của lực lượng Công an Thái Nguyên là việc tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Với phương châm hành động là khắc phục khó khăn, nỗ lực cao nhất trong mọi hoàn cảnh, từng cán bộ, chiến sĩ đã luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc, vì nhân dân phục vụ.
Công an tỉnh tổ chức các đợt cấp căn cước công dân và định danh điện tử lưu động để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, học sinh các trường THPT. |
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm, Đảng ủy Công an tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo 100% công an các đơn vị, địa phương và các đoàn thể trực thuộc xây dựng kế hoạch, ký cam kết thực hiện các nội dung theo đặc thù nhiệm vụ.
Việc niêm yết, công khai TTHC được triển khai nghiêm túc, đúng quy định; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ, chiến sĩ từng bước được quan tâm đầu tư; nơi tiếp dân được chỉnh trang, bảo đảm thoáng mát, sạch, đẹp, trang trí đúng quy định và Điều lệnh Công an nhân dân; có bảng niêm yết công khai các quy định về trình tự, thủ tục, lệ phí, số điện thoại đường dây nóng và đặt hòm thư góp ý… đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.
Hiện nay, Công anh tỉnh Thái Nguyên đang triển khai cung cấp 69 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 55 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Đồng thời tiếp tục đưa 13 TTHC thuộc 3 lĩnh vực là: Cấp, quản lý căn cước công dân; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và đăng ký, quản lý con dấu ra tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh (12/13 thủ tục cung cấp theo hình thức trực tuyến).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số toàn diện. Thiếu tá Nguyễn Sơn Tùng, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), cho biết: Đơn vị đang triển khai cung cấp 18 dịch vụ công mức độ 3 và 4, như: Thẩm duyệt thiết kế, phê duyệt phương án chữa cháy cơ sở; cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; chứng nhận nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ… Người dân và tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp/nhận hồ sơ bất cứ thời gian nào trong ngày và bất cứ nơi đâu có kết nối Internet.
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục làm hộ chiếu. |
Thái Nguyên là địa phương được Chính phủ chọn thực hiện điểm Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Công an tỉnh với vai trò là cơ quan Thường trực đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các nhóm tiện ích giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công của Công an tỉnh và 14/14 dịch vụ công của các sở, ngành.
Kết quả nổi bật của tỉnh là đã cấp trên 1 triệu căn cước công dân gắn chip, đồng bộ căn cước công dân với thẻ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; hoàn thành nhập dữ liệu hộ tịch đạt 100% trước 47 ngày so với kế hoạch giao. Các dữ liệu dân cư đảm bảo tiêu chí đúng, đủ, sạch, sống để phục vụ tốt việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong các lĩnh vực: Hộ tịch, y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường, an sinh xã hội…
Về phía người dân, việc cơ quan Công an thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo phương tiện giao thông, tạm trú và thường trú theo hình thức trực tuyến; đăng ký biển số xe ở công an cấp xã; cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử hay đến tận nhà để làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp… đã tạo thuận lợi tối đa, giúp giảm thời gian và chi phí khi khi thực hiện các TTHC.
Anh Trương Văn Dân, ở xóm Đồn, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên), nói: Tôi vừa đi làm hộ chiếu, được cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hướng dẫn ghi tờ khai điện tử và các thủ tục rất tận tình; việc trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích cũng thuận tiện, đỡ vất vả đi lại. Cá nhân tôi rất hài lòng.
Để phục vụ tốt hơn người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, công an các địa phương và đơn vị, phòng nghiệp vụ có chức năng giải quyết TTHC cũng tăng cường đối thoại để giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tuyên truyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất cắt giảm các TTHC và giảm bớt văn bản, giấy tờ không cần thiết; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đặc biệt là triển khai thực hiện và đẩy mạnh mô hình cải cách hành chính ở công an cấp xã nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Từ đầu năm tới nay, Công an tỉnh đã tiến hành rà soát 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; tiến hành cắt giảm thời gian giải quyết 59 TTHC cấp tỉnh, 8 TTHC cấp huyện và 12 TTHC cấp xã. Các phòng nghiệp vụ và công an cấp huyện tiếp nhận hơn 1 triệu hồ sơ TTHC liên quan đến tổ chức, cá nhân; 100% thủ tục giải quyết đúng quy định, trong đó trả kết quả trước thời hạn đạt gần 90%. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin