Giao lưu trực tuyến: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Tư vấn cai nghiện thuốc lá

07:45, 31/05/2016

Mỗi năm, thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có những bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới với gần một nửa nam giới trong độ tuổi trưởng thành hút thuốc lá. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá). Ước tính cả nước có khoảng 15,3 triệu người (hơn 15 tuổi) hút thuốc lá; 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà; hơn 5 triệu người trưởng thành tuy không hút thuốc nhưng vẫn thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nơi làm việc.

 

 

Hàng năm, nước ta có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Theo điều tra tại Bệnh viện K (Hà Nội), tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng, trong đó sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm đã chiếm tới 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.

 

Tại Thái Nguyên, Theo nghiên cứu về tình hình triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe (Sở Y tế)  phối hợp với Bộ môn Y học cộng đồng (Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên) thực hiện trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ nam giới hút thuốc là 38,1%, trong đó đối tượng hút trên 20 điếu/ngày chiếm 43% (từ 15-20 tuổi); đối tượng hút từ 10 đến 15 điếu/ngày chiếm 23,3%; đối tượng hút từ 5 điếu đến 10 điếu/ngày chiếm 10,3%. Mặc dù tỷ lệ nam giới hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (47,4%) nhưng đây vẫn là mức cao, gây ra nhiều gánh nặng bệnh tật và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cộng đồng.

 

 

Với mong muốn chia sẻ kiến thức cơ bản về phòng chống tác hại của thuốc lá, tư vấn để những người hút thuốc lá tiến tới bỏ thuốc thành công, nhân ngày Thế giới không thuốc lá (31-5), Báo Thái Nguyên điện tử mở buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Tư vấn cai nghiện thuốc lá”.

 

Khách mời hiện đang có mặt tại trường quay của Báo Thái Nguyên điện tử gồm: Tiến sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Y - Xã hội học; ông Dương Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Thái Nguyên; Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Thái Nguyên (TTGDSK). Các vị khách mời đã sẵn sàng cho buổi trực tuyến, xin mời các độc giả gửi câu hỏi đến với chương trình.

 

Email: hoangkhanh21@gmail.com.vn: Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có quy định độ tuổi được phép mua bán và sử dụng thuốc lá hay không? Quy định đó như thế nào?

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm TTGDSK trả lời: Tại Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các hành vi nghiêm cấm:

 

Trong đó: Tại điểm 4 quy định cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá. Tại điểm 5 quy định cấm người sử dụng người 18 tuổi mua bán thuốc lá. Tại điểm 6 quy định cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Vậy có thể thấy, Luật đã có những quy định rất rõ ràng về độ tuổi được phép mua bán và sử dụng thuốc lá.

 

Email: Anhtrung78@gmail.com: Xin cho biết người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, UBND các cấp có trách nhiệm như thế nào trong xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá?

 

BS Dương Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở Y tế trả lời: 

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống tác hại của thuốc lá theo quy định của pháp luật gồm các chức danh: Chủ tịch UBND các cấp; Thanh tra Y tế; Quản lý thị trường; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Cơ quan thuế; Thanh tra tài chính; UBND các cấp có trách nhiệm trong xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

Tại điều 52, điểm 3 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương như sau:

 

+ Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị tương đương

+ Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị tương đương.


+ Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị tương đương.

 

Email: NgocNamTN@yahoo.com: Thế nào là nghiện nicotine?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Nicotine là chất gây nghiện, người hút thuốc lá sẽ phụ thuộc vào nicotine và sẽ cần duy trì nicotine trong cơ thể để duy trì cảm giác trạng thái dễ chịu. Khi thiếu nicotine sẽ dẫn tới cảm giác khó chịu và kích thích hút thuốc. Khi cơ thể thiếu nicotine dẫn tới các triệu chứng cai, ví dụ: bứt rứt, lo âu, giảm tập trung, cáu gắt, trầm cảm, hưng phấn, mất ngủ...

 

Email: truongnvtn@gmail.com: Tôi có thể bị ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Hít khói thuốc thụ động cũng sẽ hít vào các chất độc hại tương tự như người hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động cũng gây tác hại như hút chủ động. Trong đó có ung thư phổi. Bạn có thể bị ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động.


Email: nguyenvanhoandt@gmail.com: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá?

 

 Bác sĩ Nguyễn Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm TTGDSK:

Tại Điều 6 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá, bao gồm:

1-  Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy định không  hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

  2-  Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.

 3- Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

 

Email: maiphuonngpy@yahoo.com: Hút thuốc lá và thuốc lào thì cái nào có hại hơn?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Hút thuốc lá và thuốc lào đều có hại như nhau. Bởi vì người hút thuốc lá hay thuốc lào đều hít vào các chất hóa học độc hại như nhau.

 

Email: nhungkdpy@gmail.com: Xin cho biết, việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam có phải là quy định bắt buộc không? Nếu có thì phải đảm bảo những yêu cầu gì?

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm TTGDSK:

 

Việc in nhãn, cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là quy định bắt buộc. Theo đó, tại Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định chi tiết:

Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn, cảnh báo sức khỏe trên bao bì của thuốc lá.

Việc ghi nhãn đối với thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải được thực hiện bằng tiếng Việt, theo đúng quy định của Pháp luật về nhãn hàng hóa và đảm bảo các yêu cầu sau:

+ In cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh đảm bảo rõ ràng dễ nhìn, dễ hiểu;

+ Dán tem hoặc in mã số, mã vạch; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng;

+ Ghi rõ số lượng điếu thuốc lá với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác;

+ Không được sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại, hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người.

+ Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thong điệp thích hợp khác phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một lần.

+ Cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh phải được in rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu và phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.

+ Việc ghi nhãn trên bao bì thuốc lá xuất khẩu được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

+ Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể về in nhãn, in cảnh báo sức khỏe đối với thuốc lá quy định tại khoản 2, 3, 4 điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.


Chính phủ quy định cụ thể mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ.

 

 

Email: tuanhusngptn@gmail.com:Thuốc lá điện tử có độc hại không? Hút loại thuốc này liệu có giúp cai được thuốc lá điếu?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Thuốc lá điện tử chứa chất nicotine là chất gây nghiện trong thuốc lá thường. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dung dịch nicotine trong thuốc lá điện tử vẫn có chứa một số hóa chất độc hại. Hiện tại vẫn chưa có các bằng chứng khoa học vững chắc để khuyến cáo sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá điếu.

 

Email: lehonghanh@gmail.com: Nhập lậu thuốc lá và thuốc lá giả là một trong những thực tế đáng báo động hiện nay. Xin cho biết, trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá đưa ra những giải pháp nào để hạn chế thực trạng này?

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm TTGDSK

 

Tại điều 26 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định đầy đủ các biện phòng, chống thuốc lá lậu, thuốc lá giả. Theo đó:

 

1-  Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển, tang trữ, sử dụng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả


2- Tổ chức và bảo đảm đủ nhân lực, kinh phí, phương tiện cho lực lượng phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.


3- Định kỳ, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả


4- Tịch thu, tiêu hủy thuốc lá giả; tịch thu, tiêu hủy các loại máy, thiết bị dùng để sản xuất thuốc lá giả. Việc tiêu hủy phải sử dụng các biện pháp an toàn đối với môi trường. Kinh phí tiêu hủy do cá nhân, tổ chức vi phạm chịu trách nhiệm chi trả. Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm thì kinh phí tiêu hủy do ngân sách nhà nước chi trả.


5- Việc xử lý đối với thuốc lá nhập lậu được thực hiện theo quy định của Chính phủ.


6- Khuyến khích về vật chất và tinh thần cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát hiện tố giác, tố cáo các hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.


7- Phối hợp ở cấp tỉnh, cấp quốc gia với các nước có chung đường biên giới và các nước có liên quan trong phòng, chống kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.

 

Email: hoanggiangnguyen@gmail.com: Bỏ hút thuốc lá có dễ không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Do người hút thuốc lá nghiện/phụ thuộc nicotine và hút thuốc liên quan tới hành vi/thói quen/ cảm xúc (nghiện hành vi/ thói quen) nên khi cai thuốc sẽ gặp/ chịu các triệu chứng cai thuốc. Ví dụ: bứt rứt, lo âu, giảm tập trung, cáu gắt, trầm cảm, hưng phấn, mất ngủ... . Ngoài ra nhiều hành vi/thói quen/cảm xúc cũng gây kích thích hút thuốc (ví dụ: uống cà phê, uống rượu, bạn bè hút thuốc, căng thẳng...). Triệu chứng cai sẽ giảm và hết sau từ 2 đến 4 tuần. Nếu có quyết tâm và có sự giúp đỡ, hỗ trợ và tư vấn, người hút thuốc có thể bỏ được thuốc.

 

 

Email: nguyenviethungvp@gmail.com: Tôi có thể làm gì để không hít phải khói thuốc tại nơi làm việc?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Các cơ quan cần có quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc và cần thực hiện nghiêm quy định này.

+ Treo biển cấm hút thuốc tại nơi làm việc.
+ Khi có người hút thuốc tại phòng làm việc, bạn cần yêu cầu người đó không được hút thuốc trong phòng làm việc hoặc ra khu vực thiết kế riêng cho hút thuốc.
+ Di chuyển sang phòng khác, hoặc nơi khác. Mở cửa sổ hoặc quạt không phải là cách bảo vệ mọi người khỏi khói thuốc.

 

Email: hanghaikh@gmail.com: Thuốc lá “nhẹ”, thuốc lá dành cho “nữ” có an toàn hơn không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Thuốc lá “nhẹ”, thuốc lá dành cho “nữ” không an toàn hơn so với thuốc lá thông thường. Trong thuốc lá “nhẹ” vẫn có chứa các chất hóa học độc hại như thuốc lá thường. Tất cả các loại thuốc lá đều có hại và bất kỳ tiếp xúc nào với khói thuốc lá đều có thể gây hại cho cơ thể. Không có mức độ an toàn nào khi tiếp xúc với khói thuốc lá và KHÔNG CÓ THUỐC LÁ NÀO AN TOÀN.

 

Email: viethoanttnh@gmail.com: Với thực trạng hiện nay, liệu quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc có khả thi không?

 

Bác sĩ Dương Văn Thắng – Chánh Thanh tra Sở Y tế: Theo tôi, trước tiên chúng ta cần hiểu nơi làm việc là nơi sử dụng cho mục đích lao động và theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá thì trong nhà của nơi làm việc là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

 

Nơi làm việc thường là có tổ chức, khi có tổ chức thì có người đứng đầu, theo đó, tại Điểm 1, Điều 6, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc.

 

Tại điều 27 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ghi rõ nếu không đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, không quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ thì sẽ bị xử phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

 

Với những quy định như vậy nếu người đứng đầu có quyết tâm cao, quyết liệt trong thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cùng với tăng cường công tác thanh kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm của các tổ chức cá nhân thì quy định cấm thuốc lá tại nơi làm việc là có khả thi. Thực tế đã chứng minh, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá Quốc gia giảm từ trên 56% (2002) xuống còn 47,4% (2010), riêng đối với tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá còn 38,1% (2015).

 

Email: nguyenthangtpsc@gmail.com: Thuốc lá có đầu lọc an toàn hơn so với thuốc lá không đầu lọc có phải không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Thuốc lá có đầu lọc không an toàn hơn so với thuốc lá không đầu lọc. Khi hút thuốc lá có đầu lọc vẫn hít vào các chất hóa học độc hại như thuốc lá thường. Tất cả các loại thuốc lá đều có hại và bất kỳ tiếp xúc nào với khói thuốc lá đều có thể gây hại cho cơ thể. Không có mức độ an toàn nào khi tiếp xúc với khói thuốc lá và KHÔNG CÓ THUỐC LÁ NÀO AN TOÀN.

 

Email: lehonghanh@gmail.com: Xin cho biết những hành vi nào bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá?

 

Bác sĩ Dương Văn Thắng - Chánh Thanh tra Sở Y tế: Tại điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có quy định cụ thể 09 điều cấm:

 

+  Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói, hoặc điếu thuốc lá; mua bán, vận chuyển, tàng trữ nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập khẩu.


+ Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dung dưới mọi hình thức.


+ Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá trừ trường hợp tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai dịch bệnh, thảm họa; phòng chống tác hại thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó.


+ Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá


+ Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá


+ Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ tuổi


+ Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc tự động; hút thuốc, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm


+ Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm giành riêng cho trẻ em


+ Vận động, ép buộc người khách sử dụng thuốc lá.

 

Email: truongsontn@gmail.com:  Ở Thái Nguyên thì tôi có thể tìm địa chỉ tư vấn cai thuốc lá ở đâu?

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm TTGDSK: Tư vấn cai nghiện thuốc lá là một trong những nhiệm vụ của các bác sĩ, cán bộ y tế. Hiện tại đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Thái Nguyên đã được đào tạo về tư vấn cai nghiện thuốc lá đến tuyến xã, phường, thị trấn. Theo đó, bạn có thể đến trạm y tế; Phòng khám bệnh viện tuyến huyện, thành phố, thị xã; Phòng khám bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, ở đó bạn sẽ nhận được dịch vụ tư vấn, hướng dẫn cai nghiện thuốc lá.

 

Bạn cũng có thể liên hệ với tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí (hotline 1800 – 6606 Website: bothuocla.org.vn hoặc vquit.vn) để được nhận thông tin về tư vấn cai nghiện thuốc lá.

 

“Chúng tôi luôn ở bên để giúp đỡ bạn”

 

Email: trankimthoatn@gmail.com: Liệu việc cấm hút thuốc tại nơi công cộng trong nhà, nơi làm việc trong nhà và trên phương tiện giao thông công cộng có vi phạm nhân quyền không?

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm TTGDSK: Có thể khẳng định là không vi phạm nhân quyền mà  Luật Phòng phòng, chống tác hại của thuốc lá giá trị nhân văn rất cao. Vì lý do sau: Đây là Bộ Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chứ không phải luật chống thuốc lá. Theo đó, không cấm hút thuốc lá song cấm các hành vi vi phạm khi hút thuốc lá nơi công cộng ảnh hưởng đến người khác.

 

Như vậy, hút thuốc lá ở nơi công cộng trong nhà, nơi làm việc trong nhà và trên phương tiện giao thông công cộng là vi phạm quy định chung phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, càng khẳng định là không vi phạm nhân quyền.

 

Email: laixuanviet@gmail.com.vn:  Sau khi cai thuốc lá bao lâu thì các nguy cơ gây tác hại đối với sức khỏe của con người giảm đi?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học:

 

* Trong vòng 20 phút, nhịp tim và huyết áp của bạn sẽ giảm.

* Trong vòng 8 giờ, bạn thở dễ dàng hơn.

* Trong vòng 2 ngày, khứu giác và vị giác của bạn cảm nhận tốt hơn.

* Trong vòng  2-3 tuần, cơ thể bạn lưu thông tốt hơn, bạn có thể đi bộ dễ dàng hơn và phổi của bạn bắt đầu làm việc tốt hơn.

* Trong vòng 3 tháng, cơ thể bạn có thể phòng chống nhiễm trùng tốt hơn.

* Trong vòng 1 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim của bạn được giảm đi một nửa.

* Trong vòng 5 năm, nguy cơ đột quỵ giảm xuống giống như một người chưa bao giờ hút thuốc.

* Trong vòng 10 năm, nguy cơ ung thư phổi giảm so với người hút thuốc.

 

Email: phuonganh_dh@gmail.com: Nhiều người cho rằng, cai thuốc lá cần thực hiện từ khi còn trẻ. Khi đã về già, cao tuổi thì không cần cai thuốc nữa. Quan niệm đó có đúng không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Không bao giờ quá muộn để cai thuốc lá. Việc bạn bao nhiêu tuổi và bạn đã hút thuốc thời gian bao nhiêu lâu không quan trọng, ngừng hút thuốc lá sẽ cải thiện sức khỏe của bạn. Sau khi cai thuốc:

* Bạn sẽ sống lâu, sống khỏe hơn.

* Những người thân trong gia đình bạn sẽ sống khỏe mạnh hơn.

* Bạn sẽ trở thành tấm gương tốt cho con, cháu.

 

Email: hghongthang@gmail.com: Có mối liên hệ nào giữa nghiện thuốc lá và nghiện rượu không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học:

 

Uống rượu là hành vi/ thói quen rất có liên quan tới hút thuốc lá.

 Khi uống rượu kích thích hút thuốc.

Uống rượu cũng liên quan đến việc gặp gỡ những người hút thuốc khác dẫn tới kích thích hút thuốc.

 

Email: trinhangnguyen@gmail.com:  Xin cho biết, người nào hút thuốc lá cũng sẽ nghiện thuốc lá có phải không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Tất cả mọi người khi hút thuốc lá cũng dẫn tới nghiện nicotine trong thuốc lá.

 

Email: thuongnguyen@gmail.com:  Cai thuốc lá ngay lập tức và hoàn toàn có làm người hút “bị sốc” không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Cai thuốc lá ngay lập tức và hoàn toàn là phương pháp cai thuốc được chứng minh hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Người cai thuốc có thể gặp triệu chứng cai thuốc, ví dụ: bứt rứt, lo âu, giảm tập trung, cáu gắt, trầm cảm, hưng phấn, mất ngủ... . Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ giảm dần và hết sau 2 đến 4 tuần.

 

Email: hoangmanhha@gmail.com: Xin cho biết việc việc bán thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu nào?

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đại, Giám đốc Trung tâm TTGDSK: Tại điều 25, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định việc bán thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

 

+ Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ;


+ Người chịu trách nhiệm tại điểm bán, đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của nhãn hiệu thuốc lá

 

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các điểm quy định tại điều 11, điều 12 (trừ điểm a, khoản 1, của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá). Không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viên nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100m tính từ danh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

 

Email: tungtc@gmail.com: Xin cho biết những lợi ích của việc bỏ thuốc?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học:

 

• Lợi ích cho bản thân


Trong vòng 20 phút, nhịp tim và huyết áp của bạn sẽ giảm.

Trong vòng 8 giờ, bạn thở dễ dàng hơn.

Trong vòng 2 ngày, khứu giác và vị giác của bạn cảm nhận tốt hơn.

Trong vòng  2-3 tuần, cơ thể bạn lưu thông tốt hơn, bạn có thể đi bộ dễ dàng hơn và phổi của bạn bắt đầu làm việc tốt hơn.

Trong vòng 3 tháng, cơ thể bạn có thể phòng chống nhiễm trùng tốt hơn.

Trong vòng 1 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim của bạn được giảm đi một nửa.

Trong vòng 5 năm, nguy cơ đột quỵ giảm xuống giống như một người chưa bao giờ hút thuốc.

Trong vòng 10 năm, nguy cơ ung thư phổi giảm so với người hút thuốc.

 

Lợi ích cho gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp

Bạn bảo vệ sức khoẻ của gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp khi họ không hít khói thuốc của bạn nữa.
Đối với người lớn, họ giảm được nguy cơ bị bệnh tim và ung thư phổi.

Trẻ em và trẻ nhỏ giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai, và hội chứng đột tử trẻ sơ sinh.

 

• Lợi ích tới kinh tế

Với giá 20.000 đồng một bao thuốc, nếu hút một bao trong một ngày thì khi bỏ thuốc, bạn sẽ tiết kiệm được 7.200.000 đồng mỗi năm và có thể mua được một bộ máy tính hoặc một Apple Iphone 5-64GB. Không hút thuốc trong vòng 5 năm, bạn có thể tiết kiệm tiền để mua một xe máy Honda Air blade hay một Tivi LCD Toshiba Regza 55Z600.

 

Email: dovanquyet@gmail.com:  Thuốc xì gà có an toàn hơn thuốc lá điếu không?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Thuốc xì gà không an toàn hơn so với thuốc lá thông thường. Trong thuốc xì gà vẫn có chứa các chất hóa học độc hại như thuốc lá thường. Tất cả các loại thuốc lá đều có hại và bất kỳ tiếp xúc nào với khói thuốc lá đều có thể gây hại cho cơ thể. Không có mức độ an toàn nào khi tiếp xúc với khói thuốc lá và KHÔNG CÓ THUỐC LÁ NÀO AN TOÀN.

 

Email: hoangbichhong@gmail.com: Tại sao có người cai thuốc lá hết sức dễ dàng, người khác lại cai thuốc lá hết sức khó khăn ?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học: Có 4 lý do khiến người nghiện thuốc lá cai thuốc lá dễ dàng hoặc hết sức khó khăn:

+ Mức độ nghiện/ phụ thuộc Nicotine nặng, nhẹ khác nhau

+ Môi trường và các yếu tố kích thích hút thuốc khác nhau

+ Quyết tâm cai thuốc khác nhau

+ Các hỗ trợ cai thuốc (người thân, bạn bè, cơ sở y tế) khác nhau.

 

Email: tongquocson@gmail.com:  Xin cho biết những mốc thời điểm phù hợp để cai thuốc và những giải pháp cai nghiện thuốc lá tại nhà?

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y – Xã hội học:

 

Bất kể thời điểm nào cai thuốc cũng đều là phù hợp, chỉ cần bạn có sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý, các hỗ trợ. Chi tiết các phương pháp cai thuốc mời bạn vào trang vquit.vn mục hướng dẫn cai thuốc.

 

-----------------------------------------------------

Buổi giao lưu trực tuyến đã nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả chuyển đến chương trình, nhưng do thời lượng thực hiện có hạn, nên những câu hỏi này sẽ được các vị khách mời trả lời sau. Báo Thái Nguyên điện tử sẽ chuyển nội dung câu trả lời cho độc giả qua Email đã gửi câu hỏi đến chương trình.

 

Trân trọng cảm ơn các vị khách mời và độc giả đã tham gia chương trình trực tuyến !