Giá bán chè của các hộ cá thể tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh hiện nay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và với mức giá như vậy, người trồng chè chỉ đủ hòa vốn, thậm chí bị thua lỗ so với số tiền đầu tư và công sức bỏ ra. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh.
P.V: Trước hết, bà có thể đánh giá tổng thể về giá bán chè trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Ngà: Đúng là có tình trạng giá chè nguyên liệu giảm xuống ở mức thấp. Khảo sát tại một số hộ sản xuất cá thể trên địa bàn huyện Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai, chúng tôi nhận thấy giá chè búp tươi chỉ dao động ở mức 11-12 nghìn đồng/kg búp tươi (tương đương khoảng 60 nghìn đồng/kg khô). Với chè cành thì có thể cao hơn một chút. Với mức giá này thì người nông dân không có lãi, thậm chí còn lỗ.
Tuy nhiên, giá chè cũng tùy vùng và từng địa chỉ. Ví dụ cũng ở Phú Lương, khu vực Khe Cốc, xã Tức Tranh hay Vô Tranh người dân vẫn bán được với giá 18-20 nghìn đồng/kg búp tươi. Ở các vùng đặc sản của Đại Từ ở mức 20-30 nghìn/kg tươi. Thậm chí ở La Bằng hay Tân Cương vẫn có giá 50 nghìn/kg, nếu không đặt trước thậm chí còn không mua được. Trên bình diện chung, giá bán chè của Thái Nguyên vẫn ở mức cao hơn so với các tỉnh trong khu vực.
P.V: Về góc độ chuyên môn, bà có thể lý giải nguyên dân dẫn đến tình trạng này?
Bà Nguyễn Thị Ngà: Năm nay thời tiết khá thuận lợi, cây chè ít bị sâu bệnh. Hiện đang là thời điểm chính vụ, cây chè cho năng suất cao nhất, nhưng chất lượng lại chỉ ở mức trung bình. Thêm nữa, diện tích chè cho thu hoạch của toàn tỉnh khoảng 18.000ha, hơn khá nhiều so với những năm trước. Sản lượng lớn, trong khi thị trường tiêu thụ dần tiến tới mức bão hòa khiến giá chè giảm nhiều.
Hiện nay, chất lượng chè búp tươi ở các vùng của tỉnh không có sự chênh lệnh quá nhiều. Sự khác biệt về giá bán còn do một yếu tố quan trọng khác chi phối là liên kết trong sản xuất. Theo một cuộc khảo sát do Hội Chè thực hiện, những hộ tham gia vào hợp tác xã có giá bán cao hơn sản xuất cá thể tương đối nhiều. Trong tất cả quy trình làm chè, từ chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói và tiêu thụ, thì hộ cá thể chỉ làm được đến bước chế biến. Việc sao sấy ở đây cũng chỉ ở mức thô, không có bao bì đóng gói theo quy chuẩn. Việc tiêu thụ do tiểu thương đến thu mua trực tiếp ở nhà hoặc bán ở chợ địa phương, không có năng lực vươn xa ở các thị trường lớn hơn. Hộ sản xuất cá thể chất lượng thấp hơn, khó tiêu thụ và bị tiểu thương ép giá mới là nguyên nhân chính khiến giá bán chè ở mức thấp.
P.V: Như vậy thì liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất chè là yêu cầu tất yếu. Bà có thể cho biết thông tin về tình hình liên kết sản xuất chè trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Ngà: Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 40 hợp tác xã; trên 100 tổ hợp tác sản xuất chè. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã liên kết với người dân để thu mua và xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Xu hướng này ngày càng phổ biến vì các bên đều nhận thấy lợi ích khi có sự hợp tác. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có thể liên kết thành vùng nguyên liệu tập trung. Có những nơi chỉ là nhóm nhỏ với 5-7 hộ với nhau nên hiệu quả chưa thực sự cao.
P.V: Thực tế việc liên kết sản xuất hiện nay chủ yếu ở các vùng sản xuất tập trung, có chất lượng nguyên liệu khá. Vậy đối với hộ sản xuất chè cá thể ở những vùng không tập trung thì cần định hướng thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Ngà: Đúng là hợp tác xã, tổ hợp tác và các hình thức liên kết sản xuất mới chủ yếu ở các vùng chè đặc sản, tập trung. Nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến không mua được chè nguyên liệu, lý do là họ chỉ chăm chăm hướng tới những vùng đã có tiếng. Chúng tôi đã gợi ý một số đơn vị hướng tới các vùng chè không tập trung. Doanh nghiệp hợp tác với người nông dân tạo mặt bằng, đầu tư khoa học kỹ thuật, kiểm soát chất lượng và lo tiêu thụ sản phẩm. Nhân dân cam kết bán chè cho doanh nghiệp với giá thỏa thuận phù hợp. Như vậy vừa đảm bảo được nguyên liệu ổn định cả về số lượng và chất lượng. Có thể thực hiện ở những vùng chè chưa có tiếng của tỉnh như: Định Hóa, Võ Nhai hay một số xã của huyện Phú Lương.
Từ thực tế hiện nay cho thấy mối liên kết giữa các doanh nghiệp với người làm chè, nhất là các hộ sản xuất cá thể vẫn còn nhiều hạn chế, để giải quyết điều này thì cần thời gian và sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía.
P.V: Xin cảm ơn bà!