Để mùa lễ hội văn minh, giàu bản sắc

Ngọc Chuẩn (Thực hiện) 07:43, 16/01/2023

Sau 3 năm tạm dừng các hoạt động tập trung đông người do dịch COVID-19, đầu Xuân Quý Mão 2023, nhiều lễ hội sẽ được tổ chức trở lại. Trước mùa lễ hội, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về vấn đề tổ chức các lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh và mang đậm dấu ấn văn hóa.

Dự kiến lượng nhân dân, du khách tham gia lễ hội đầu xuân năm nay sẽ tăng cao. (ảnh chụp Lễ Hội Chùa Hang năm 2019)
Dự kiến lượng người tham gia các lễ hội đầu Xuân năm nay sẽ tăng cao. (Ảnh chụp tại Lễ hội chùa Hang năm 2019).

P.V: Được tổ chức lại sau một thời gian dài tạm dừng, các lễ hội đầu Xuân Quý Mão 2023 có nét gì mới, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Linh: Như chúng ta đã biết, lễ hội là di sản văn hóa gắn liền với sinh hoạt, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư; đồng thời biểu hiện thái độ ứng xử hài hoà với thiên nhiên, sự tôn trọng đối với thần thánh và mối liên hệ gắn kết giữa con người với con người. Bên cạnh giá trị cân bằng đời sống tinh thần, lễ hội truyền thống còn tác động tích cực tới mỗi cá nhân và cộng đồng, bởi tính cố kết cộng đồng, hướng về nguồn cội và giáo dục các giá trị đạo đức. Chính vì lẽ đó, dân cư ở các địa phương rất coi trọng, có ý thức gìn giữ, trao truyền và có nhu cầu tổ chức lễ hội.

Đặc biệt sau 3 năm tạm dừng tổ chức hoạt động tập trung đông người, trong đó có các lễ hội, để phòng, chống dịch COVID-19, xuân Quý Mão 2023, lễ hội được tổ chức trở lại, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Hiện, các địa phương đã thành lập ban tổ chức và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác tổ chức lễ hội truyền thống đầu Xuân.

Theo đó, lễ hội có thể được mở rộng quy mô tổ chức, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống; phần hội được tổ chức đa dạng, phong phú với các trò chơi dân gian, truyền thống… Đồng thời, trong một số lễ hội có tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng và nhiều dịch vụ, bán hàng lưu niệm, ẩm thực địa phương... để đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân, du khách.

P.V: Ông có thể khái quát về một số lễ hội truyền thống tiêu biểu trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên?

Ông Lê Ngọc Linh: Hiện trên địa bàn của tỉnh có 133 lễ hội truyền thống. Mỗi lễ hội lại có nét độc đáo riêng, nhưng có điểm chung là đều chứa đựng trong đó những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp. Lễ hội được tổ chức vào mùa Xuân với mục đích hướng thiện, thể hiện lòng tôn kính của cư dân địa phương đối với bậc tiền nhân có công với dân tộc, với quê hương bản xứ, cũng như cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Một số lễ hội được khai hội sớm nhất vào mùa Xuân phải kể đến như: lễ hội núi Văn, núi Võ (Đại Từ); lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình); lễ hội đền Đuổm (Phú Lương); lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa)... - chính thức khai hội ngay từ những ngày đầu tháng Giêng. Nhiều năm qua, các lễ hội này đều được tổ chức trang trọng, đúng quy định của pháp luật, đúng nghi lễ, tạo không khí vui tươi, khơi dậy và phát huy được nhiều nét sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống của nhân dân.

Tại lễ hội, các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể được phát huy, góp phần bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của địa phương theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. Cùng với nét đẹp truyền thống, ở phần hội còn có nhiều hoạt động phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, như: hội diễn văn nghệ quần chúng; thi trình diễn trang phục dân tộc; trưng bày sinh vật cảnh; trưng bày sản vật đặc trưng của địa phương…

P.V: Với nhiều hoạt động như vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo, hướng dẫn như thế nào để mùa lễ hội Xuân 2023 diễn ra văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc?

Ông Lê Ngọc Linh: Lễ hội là di sản văn hóa. Nên dù cải tiến, đổi mới vẫn đòi hỏi phải giữ được yếu tố truyền thống. Chính vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn nhân dân địa phương thực hành theo đúng nghi thức, nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của lễ hội.

Để lễ hội diễn ra đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa của nhân dân, từ tháng 12/2022, Sở đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức và hoạt động lễ hội theo những quy định, nghị định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh về quản lý, tổ chức lễ hội; tăng cường quản lý Nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; an ninh trật tự và phòng, chống dịch bệnh...

Song song với công tác chỉ đạo, hướng dẫn trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động lễ hội; hướng dẫn nhân dân, du khách tham gia các hoạt động tại lễ hội kịp thời phát hiện những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm (nếu có). Qua đó, đảm bảo mùa lễ hội diễn ra an toàn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui hội xuân của nhân dân và tăng cường hiệu quả quản lý Nhà ước về tổ chức lễ hội theo quy định.

P.V: Xin cảm ơn ông!


Từ khóa:

lễ hội

văn hóa