Chưa bao giờ ngành Thư viện Thái Nguyên phát triển mạnh như những năm gần đây. Ngoài thư viện tỉnh, huyện, xã, các trường học và nhiều cơ quan đơn vị cũng có tủ sách pháp luật. Tuy nhiên thời nay, cách đọc sách cũng đa dạng, phong phú hơn: Sách in giấy truyền thống, sách online, sách nói, thậm chí cùng lúc kết hợp nghe, nhìn... Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh, về chủ đề Tủ sách thư viện và thực tế nhu cầu đọc.
Trước “rừng sách”, bạn trẻ cần biết lựa chọn sách có nội dung tốt để đọc. |
PV: Ông có thể cho bạn đọc biết về nguồn tài nguyên thông tin tri thức của Thư viện tỉnh hiện nay?
Ông Đỗ Bình Nguyên: Thư viện tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 150.000 bản sách, trong đó, sách chính trị, pháp luật là 15.000 bản; sách khoa học tự nhiên 13.000 bản; sách kỹ thuật 7.000 bản; sách văn học 45.582 bản; sách thiếu nhi 23.118 bản; sách văn hóa 5.000 bản; sách lịch sử 8.000 bản; sách ngoại văn 3.000 bản; sách địa lý, du lịch 2.000 bản; sách địa chí 3.486 bản; sách luân chuyển 37.125 bản; 320 sách nổi cho người khiếm thị; 1.274 sách nói (dạng đĩa CD); 20 máy tính kết nối Internet phục vụ miễn phí; trên 70 loại báo, tạo chí.
PV: Với một nguồn tài nguyên khá đồ sộ, Thư viện tỉnh tổ chức cho bạn đọc khai thác như thế nào?
Ông Đỗ Bình Nguyên: Thư viện tỉnh hiện duy trì nhiều loại hình dịch vụ phục vụ bạn đọc như: Đọc sách, báo, tạo chí tại Thư viện; cho bạn đọc mượn sách về nhà; tư vấn, hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông về sách và văn hóa đọc; biện soạn, cung cấp thư mục sách, báo theo nhu cầu; sử dụng máy tính và truy cập Internet miễn phí; hướng dẫn sử dụng máy tính, truy cập Internet, tìm kiếm thông tin; hỗ trợ, hướng dẫn học tập và thi trực tuyến trên Internet; sao chụp tài liệu thư viện; sử dụng WIFI miễn phí.
Kết quả công tác phục vụ bạn đọc: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, số lượng bạn đọc đến Thư viện tỉnh sụt giảm. Năm 2020, phục vụ trên 30.000 lượt bạn đọc; năm 2021, phục vụ trên 26.000 lượt bạn đọc; năm 2022, trên 27.500 lượt bạn đọc.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng trong những năm gần đây, ngoài thị trường lưu hành khá nhiều ấn phẩm kém chất lượng, thậm chí gọi là sách rác, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Ông Đỗ Bình Nguyên: Những năm gần đây, ngành Xuất bản, in và phát hành ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Công tác quản lý xuất bản được tăng cường. Số lượng xuất bản phẩm hằng năm đều tăng trưởng khá, phong phú về nội dung, đẹp về hình thức nên đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc theo lứa tuổi.
Đối với Thư viện tỉnh Thái Nguyên, việc bổ sung vốn tài liệu thư viện hằng năm đều được tiến hành chặt chẽ, cẩn thận từ những nhà xuất bản, nhà sách, đơn vị cung cấp, phát hành có uy tín nên các ấn phẩm đều có chất lượng tốt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.
Chia sẻ qua trang sách tạo sự gần gũi giữa các bạn trẻ. |
PV: Thực tế có một bộ phận trong giới trẻ không mặn mà với sách, theo ông đâu là nguyên nhân?
Ông Đỗ Bình Nguyên: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là: Thứ nhất, việc đọc sách của con trẻ thiếu sự quan tâm, định hướng của người lớn từ trong gia đình. Thứ hai, trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, giải trí, các trang mạng và nền tảng số, giới trẻ bị cuốn hút mạnh mẽ vào văn hóa “Nghe - Nhìn - Xem”, không chú trọng đến văn hóa đọc. Thứ ba, giới trẻ dành quá nhiều thời gian vào việc học tập tại trường và học thêm ngoài nhà trường với mong muốn có thêm kiến thức, nên thiếu thời gian đọc sách. Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền về sách và văn hóa đọc của các cấp, các ngành, các nhà trường chưa được thường xuyên, liên tục nên chưa tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của giới trẻ về vai trò, tầm quan trọng của sách và việc đọc sách đối với cuộc sống.
PV: Ngành Thư viện tỉnh đã và sẽ làm gì để khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong giới trẻ?
Ông Đỗ Bình Nguyên: Trong những năm vừa qua, Thư viện tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách và tình yêu sách trong thanh, thiếu niên, học sinh, như: Tổ chức Ngày hội sách quy mô cấp tỉnh hằng năm; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương, cơ sở, trường học tổ chức các hoạt động tuyên truyên về văn hóa đọc phù hợp với thực tế; tổ chức các chương trình giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm với bạn đọc; tổ chức nói chuyện chuyên đề về sách và văn hóa đọc trong cuộc sống; tổ chức Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách hằng năm; phối hợp tổ chức chương trình “Thư viện lưu động - Ánh sáng tri thức” tại các trường học bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện; thực hiện thường xuyên việc luân chuyển sách từ Thư viện tỉnh về thư viện các huyện, thành phố, các cơ sở, trường học, các tủ sách, phòng đọc sách trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nêu trên, Thư viện tỉnh sẽ chú trọng phát triển hệ thống thư viện, tủ sách, phòng đọc sách ở cơ sở, đồng thời tham mưu, triển khai xây dựng hệ thống thư viện số tỉnh Thái Nguyên nhằm đưa sách và tri thức đến gần với bạn đọc; giúp người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh có thể đọc sách và tra cứu thông tin chính thông mọi lúc, mọi nơi trên các nền tảng số.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin