Để “trà Thái” vững ngôi đầu

Nguyễn San 15:20, 02/03/2023

Đó là yêu cầu, đòi hỏi và cũng là trăn trở lớn đối với một tỉnh “đệ nhất danh trà” nhưng còn không ít thách thức trong phát triển bền vững cây chè và sản phẩm trà như Thái Nguyên.

 

Đánh giá mới đây cho thấy, Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và giá bán, nhưng phát triển còn thiếu tính bền vững. Vì thế cần phải có giải pháp đột phá để cây chè thực sự là cây trồng chủ lực, đóng góp giá trị đáng kể cho tăng trưởng kinh tế hàng năm của địa phương.

Không thể phủ nhận, những năm gần đây cây chè và sản phẩm trà của Thái Nguyên đã có bước tiến dài so với trước, từng bước khẳng định vai trò là cây trồng chủ lực làm giàu cho nông dân trong tỉnh.

Bà con làm chè giờ không còn vất vả, khổ cực như xưa khi công nghệ tiên tiến được áp dụng ngày càng rộng rãi hơn. Từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, đến sao, vò, đóng gói, giao dịch đều có máy móc, công nghệ hiện đại hỗ trợ.

Các sản phẩm từ chè ngày càng đa dạng hơn với trà đinh, matcha, ô long, trà hoa nghệ thuật… có giá trị gấp nhiều lần trà truyền thống thông thường. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ đã vươn lên phát triển nhờ sản xuất, kinh doanh chè.

Thực hiện chủ trương vừa nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vừa tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích, đến nay tổng diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đã đạt trên 22.200ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 20.900ha với sản lượng búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn.

Tuy dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng, nhưng đóng góp giá trị trong cơ cấu nội ngành và trong tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh của cây chè vẫn còn khá khiêm tốn. Đây là điều trăn trở nhất đối với ngành chè Thái Nguyên nhiều năm qua.

Phân tích thực tế cho thấy, dù tổng diện tích lớn, nhưng diện tích chè an toàn, VietGAP, hữu cơ của tỉnh được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chỉ đạt khoảng 20,25%, còn rất khiêm tốn so với yêu cầu.

Bên cạnh đó, một loạt khó khăn đặt ra như: Lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia sản xuất chè có xu hướng giảm dần; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất nông hộ. Mặc dù đã phát triển thêm nhiều hợp tác xã nhưng chưa có sự liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ, nên việc nâng cao giá trị sản phẩm từ cây chè còn thấp. Thị trường trà Thái Nguyên chủ yếu nội tiêu, khối lượng và giá trị xuất khẩu ít. Trong khi đó, công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu trà chưa được quan tâm đúng mức…

Trước thực tế trên, để ngành chè Thái Nguyên thực sự phát triển xứng tầm rất cần giải pháp tổng thể với nhiều nguồn lực khác nhau. Một mặt là tiếp tục quy hoạch vùng chè, xác định quỹ đất, mở rộng diện tích, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt 23.500ha chè, trong đó có 85% diện tích chè giống mới; một mặt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu để nâng chất lượng, giá trị sản phẩm từ cây chè.

Muốn vậy cần phải tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức, hướng dẫn người làm chè đăng ký mã số vùng trồng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng tham gia xuất khẩu tại các thị trường khó tính nhất. Ngành chuyên môn tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp thâm canh, chăm sóc, mở rộng diện tích chè an toàn, VietGAP, hữu cơ…

Ngoài ra, cần làm tốt công tác quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trà; tăng cường kiểm tra, kiểm định cây chè đầu dòng, vườn chè đầu dòng, vườn ươm chè giống đảm bảo chất lượng. Tổ chức để tất cả các hợp tác xã, đơn vị sản xuất và người làm chè cùng thống nhất áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ và các quy định cam kết trong tiêu thụ sản phẩm trà Thái Nguyên.

Hiện nay, Thái Nguyên đang sở hữu nhiều vùng chè đặc sản, có lối canh tác tập trung, địa thế, cảnh sắc sơn thủy hữu tình có thể xây dựng thành vùng sản xuất gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm để thu hút du khách tham quan, mua sắm, quảng bá, tiêu tụ sản phẩm trà.

Cùng với đó cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác tốt các sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trà, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh…