Vốn có một tuổi thơ yên bình, thích đá bóng như bao đứa trẻ trong làng, nhưng sau một cơn bạo bệnh, sức khỏe của Kiên giảm sút, mọi sự vận động của cơ thể dần không theo ý muốn, phải thường xuyên sống trong bệnh viện. Kiên đã suy sụp và có một quãng thời gian dài sống tự ti, khép kín. Và rồi, ý chí, nghị lực sống và khát vọng làm người có ích cùng với những cơ duyên trong cuộc đời đã giúp Kiên bừng tỉnh, trở thành một chàng trai tài hoa.
Với mỗi sản phẩm, Kiên đều tỷ mẩn thực hiện với niềm đam mê và sáng tạo nhất có thể. |
Nhiều năm gần đây, hễ cứ gần đến Tết Trung thu thì Phạm Văn Kiên, ở xóm Tân Tiến 3, xã Tân Dương (Định Hóa), lại tất bật, luôn tay làm những chiếc đèn lồng thủ công.
Mùa Thu năm nay, việc đi lại, vận động dẫu có khó khăn hơn bởi vừa trải qua một trận ốm nhưng Kiên đặt ra mục tiêu hoàn thành 700 đèn các loại. Đến thời điểm này, khoảng 550 đèn đã được làm xong và giao cho khách. Từ nay đến Rằm Trung thu, Kiên cố gắng hoàn thiện đơn hàng còn lại để đạt chỉ tiêu.
Việc cắt, ghép, tạo hình các mẫu đèn rất công phu, tỷ mẩn và hoàn toàn làm bằng tay đã được Kiên thực hiện bằng cả niềm đam mê, trách nhiệm và sáng tạo.
Nếu không “mục sở thị”, nhìn những chiếc đèn lồng xinh xắn, với những hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt, chắc chắn ai cũng nghĩ người làm ra nó hẳn là phụ nữ khéo tay, yêu trẻ. Đó là những chiếc đèn mang hình dáng con vật như voi, thỏ, nai, cáo đến pi-ka-chu, đô-rê-mon, siêu nhân… khiến bọn trẻ mê mẩn.
Không chỉ làm đèn, Kiên còn tự tay làm ra những mô hình kiến trúc nhà, thuyền… rất đẹp và tinh sảo.
Kiên kể với chúng tôi: Khi em đang là học sinh lớp 5, một ngày, em bỗng thấy một bên hông bị đau dữ dội đến mức không thể đi lại được mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè mới về được đến nhà. Được gia đình đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán em mắc bệnh liên quan đến xương khớp. Được chỉ định dùng thuốc giảm đau xong, em lại trở về nhà và tiếp tục đến trường. Tuy nhiên, đôi chân của em ngày một yếu và không thể chơi bóng, chạy nhảy như trước nữa, di chuyển cũng ngày một khó nhọc hơn.
Đến năm 2007, sau 1 trận sốt cao, Kiên liên tục được người thân đưa đến các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến Trung ương điều trị. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, bác sĩ chưa chẩn đoán chính xác căn bệnh của Kiên nên việc điều trị và hồi phục rất khó.
Đôi chân của Kiên cứ dần teo lại, phải sử dụng nạng gỗ. Mãi sau này, Kiên mới được chẩn đoán bị bệnh dính khớp háng, nhưng để điều trị hồi phục đã quá muộn. Sau đó, không chỉ đôi chân mà lưng của Kiên cũng bị kéo gù xuống khiến việc di chuyển, sinh hoạt hằng ngày càng vất vả hơn. Điều này khiến Kiên trở nên mặc cảm, tự ti và sống khép kín, không muốn bước chân ra khỏi nhà.
Trong thời gian sống cô lập ấy, Kiên bắt đầu làm những mô hình nhà, đồ chơi trẻ em, giáo cụ học tập cho cô và trò mầm non… với mục đích “giết” thời gian.
Vốn thông minh, sáng dạ và trí tưởng tượng phong phú, đầu óc quan sát nhanh nên mỗi khi nhìn thấy một mô hình như nhà, đèn lồng, tàu thuyền… trên ti vi, trên mạng xã hội hoặc của ai đó khi đi viện tình cờ bắt gặp, Kiên đều mày mò rồi làm theo ý mình, với cách riêng, độc đáo hơn. Kiên thực hiện với niềm đam mê lạ thường, từng chi tiết nhỏ nhất cũng được chàng thanh niên này chú trọng.
Kiên chia sẻ: Một lần, có người đến nhà chơi, thấy mô hình ngôi nhà mà em làm đẹp quá đã sẵn sàng bỏ ra 3 triệu đồng để mua lại. Nhiều bạn bè đến chơi cũng khen sản phẩm của em làm ra rất đẹp, hợp với tâm lý trẻ em nên đã động viên em làm để bán. Cũng từ đây, em thấy mình cần thay đổi. Đến năm 2014, sau 7 năm tự “nhốt” mình trong nhà, em đã tự chống nạng ra ngoài, chủ động giao tiếp với bạn bè và những người xung quanh. Em đã có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống và chính mình.
Phạm Văn Kiên với mô hình kiến trúc nhà rất công phu, đẹp mắt. |
Vừa qua kênh bạn bè, người quen, vừa tự giới thiệu qua mạng xã hội, sản phẩm của Kiên dần được nhiều người biết đến. Một số cô giáo mầm non đã tìm đến tận nhà đặt hàng làm giáo cụ giảng dạy. Đặc biệt, cứ mỗi mùa Trung Thu đến, Kiên lại làm hàng trăm chiếc đèn lồng theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài huyện.
Không chỉ giàu sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, Kiên còn thích nuôi gà chọi và làm thơ, viết bài tham dự các cuộc thi cổ động những sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh. Kiên đã vượt qua bản thân, mỉm cười với đời, làm điều có ích cho đời.
“Em sẽ tiếp tục với đam mê của mình khi còn có thể và e thấy tiếc vì đã lãng phí quãng thời gian dài do tự ti, mặc cảm, sống khép kín. Đây cũng là điều mà em mong rằng ai đó nếu rơi vào hoàn cảnh như em thì hãy vươn lên, đừng lãng phí thời gian cho sự mặc cảm, tự ti. Bởi mỗi người sinh ra dù thế nào thì cũng đều có giá trị riêng, làm sao để giá trị ấy không bị chôn vùi mà trở thành có ích cho đời mới là điều quan trọng." - Kiên nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin