Chúng tôi về xóm Trung, xã Yên Đổ (Phú Lương) tìm gặp ông Lê Bình Minh thì được người dân ở đây nhiệt tình dẫn vào tận nhà ông. Trong lời giới thiệu về ông, bà con đều dành sự tôn kính, nhất là lớp trẻ, luôn thích được nghe kể câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, ông cùng đồng đội đã chiến đấu ngoan cường để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ông Lê Bình Minh (bên phải), người từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nay đã 90 tuổi. |
Năm nay, ông Minh đã tròn 90 tuổi, mắt mờ, gầy gò, sống cùng gia đình trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, cũ kỹ. Thấy chúng tôi đến, người vợ đỡ ông xuống giường rồi dìu ông ra bộ bàn ghế gỗ đặt giữa nhà, nhét cây gậy vào tay ông, bà nói với chúng tôi: Mấy hôm nay trở trời, vết thương nơi đầu gối của ông lại đau, nên đi lại khó khăn hơn. Vài năm trước, ông còn thường xuyên đi nói chuyện với học sinh các trường học trên địa bàn về chiến tranh, về truyền thống yêu nước của dân tộc, truyền những hoài bão, nhiệt huyết của lớp thanh niên thời chiến cho thế hệ hôm nay. Nhưng giờ sức khỏe yếu hơn, nên ông không còn đi nữa. Chuyện thường ngày lúc nhớ, lúc quên, nhưng hễ hỏi đến chuyện thời chiến, ông vẫn thuộc làu làu đến từng chi tiết.
Đúng như bà nói, khi chúng tôi vừa khơi câu chuyện chiến tranh, gương mặt đang nhíu lại vì đau lập tức giãn ra, ông vào chuyện đầy hào hứng. Ngày ấy, khi mới tròn 16 tuổi, để được gia nhập quân đội, lên đường đánh đuổi giặc, ông phải khai hồ sơ lên 18 tuổi. Năm 1949, Đại đoàn quân chủ lực Bộ Quốc phòng mang phiên hiệu Đại đoàn 308 được thành lập tại Đồn Đu, nay là thị trấn Đu (Phú Lương), ông được biên chế tại D18, E102, F308 làm nhiệm vụ thông tin liên lạc và được tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Con đường hành quân vượt núi, băng rừng, từ Thái Nguyên, các chiến sĩ vượt qua sông Chảy, sông Đà lên Tây Bắc. Đơn vị của ông gấp rút mở đường chiến dịch, mặc mưa rừng, gió rét, bom đạn địch đánh phá ác liệt, cán bộ chiến sĩ ta đã lao động từ 12-14 giờ mỗi ngày. Chỉ trong 1 tuần, các đơn vị đã hoàn thành sửa xong đoạn đường dài 20km từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ và mở một con đường mới dài 10km xuyên qua núi cao, rừng tậm từ phía Đông Bắc sang Tây Bắc Điện Biên Phủ để các đơn vị pháo binh, cao xạ đưa pháo vào trận địa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đường, Đại đoàn lại hợp sức cùng các đơn vị kéo pháo vào trận địa, triển khai lực lượng theo phương châm tác chiến ban đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh”.
Trong đợt 1 của chiến dịch, ông cùng đồng đội xây dựng trận địa tiến công và bao vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm của địch, rồi làm chủ cứ điểm Độc Lập. Trong đợt 2, ông lại cùng đồng đội đánh chiếm các điểm cao phía Đông của phân khu trung tâm, nhanh chóng thắt chặt vòng vây bằng hệ thống giao thông hào, chiến hào, khống chế đánh chiếm sân bay chính, triệt hẳn đường tiếp viện của địch, tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, để từng bước tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông đảm nhiệm toàn bộ mặt trận phía Tây Mường Thanh. Bước vào đợt 3 chiến dịch, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiến công địch ở khu vực phía Tây. Tất cả những trận đánh này nhằm "bóc" hết cả hai mạng sườn địch, khiến chúng phải "phơi bày ruột gan" ra, tất cả phải hoàn thành trong đêm 6-5, để hôm sau toàn bộ mặt trận chuyển sang tổng công kích, kết thúc nhiệm vụ lịch sử của chiến dịch này.
Thông tin liên lạc trong các chiến dịch giữ vai trò rất quan trọng, quyết định sự thắng - thua ở từng trận đánh. Công tác thông tin liên lạc đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến trường bom đạn tương tàn, các chiến sĩ thông tin liên lạc sử dụng khéo léo linh hoạt các phương tiện có trong tay, biết kết hợp giữa các loại phương tiện hữu tuyến điện, vô tuyến điện, thông tin vận động, thông tin tín hiệu một cách chặt chẽ, giữ được bí mật bảo đảm chỉ huy tác chiến trong một thời gian dài. Thông tin liên lạc hữu tuyến được ta sử dụng hết sức linh hoạt, kết hợp được giữa cấp trên với cấp dưới, giữa bộ binh với pháo binh, hình thành mạng lưới liên lạc rộng theo hướng vu hồi.
Trong điều kiện có ít dây máy, khi dây điện thoại bị đứt, thiếu, bộ đội thông tin có sáng kiến dùng dây thép gai của địch gỡ ra để làm đường dây cho tuyến sau, dành dây bọc cho phía trước, sử dụng các đoạn đường dây sắt của bưu điện Pháp làm trước đây để liên lạc về hậu phương. Đến khi đường dây liên lạc bị bom đạn phá, lính liên lạc chỉ còn cách duy nhất là chạy bộ đi báo tin. Chiến tranh cam go, thông tin phải thông suốt, ông chạy liên tục, hết tuyến trên tuyến dưới, có ngày đi từ 23h hôm trước đến 14h hôm sau, trong mưa bom, bão đạn, có lúc làn đạn không ngớt, không thể chạy, ông phải bò vài trăm mét. Quân ta chiến đấu ngoan cường 2 đêm, 3 ngày trên đồi A1 và giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng đó đổi bằng cả tiểu đoàn của ông đã hy sinh, chỉ còn lại mình ông.
Kết thúc trận đánh, năm 1954, ông Minh được phong Tiểu đội phó và được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Nhì, sau đó, ông tiếp tục được phong Tiểu đội trưởng. Hình ảnh người dân ra đón bộ đội ăn mừng chiến thắng để lại ấn tượng đẹp nhất, hạnh phúc nhất mà cuộc đời ông đã được nếm trải, cho đến bây giờ, hình ảnh đó vẫn mãi in đậm trong tâm trí ông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin