Dòng chảy trầm của văn học xa xứ

10:15, 31/10/2007

Điểm nổi bật trong dòng văn học của những tác giả Việt kiều chính là cách nhìn cuộc sống già dặn, triết lý và ước vọng kiếm tìm những giá trị nhân sinh tiềm ẩn trong dòng chảy vô biên của cuộc đời

Có một dòng chảy trầm trong dòng văn học Việt của những cây bút xa xứ và đã có những tác phẩm ghi lại nhiều dấu ấn trong đó có những tác phẩm đoạt giải: Pasis 11 tháng 8 của Thuận đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn năm 2005 và tác phẩm Và khi tro bụi của nhà văn-đạo diễn Đoàn Minh Phượng vừa đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn 2007.

Viết từ ký ức

Trong dòng chảy văn học Việt Nam, những tác phẩm của những người sống xa quê bao giờ cũng cồn cào một nỗi nhớ. Dễ thấy điều này trong tác phẩm Chinatown của nhà văn Thuận. Một người mẹ và một đứa con bị kẹt lại trên một chuyến tàu ở xứ người. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi (câu chuyện bắt đầu từ lúc kim đồng hồ chỉ số 10, và kết thúc lúc kim dừng ở con số 12), người phụ nữ tha hương thả ký ức mình về những ngày còn đi học; về một chặng dài của cuộc đời không phẳng lặng.

Các nhà văn không hẳn dựa vào ký ức để viết, nhưng ký ức là điểm tựa cho những ưu tư, suy ngẫm trước ngổn ngang sự đời. Đôi lúc ký ức không hiển hiện nhưng lại là một dấu mốc ngầm để nhà văn so sánh với cuộc sống của hiện tại. Hành trình của nhà văn Thuận trong văn học là các tác phẩm hình thành từ sự chuyển động, từ Made in Vietnam đến Chinatown, Paris 11 tháng 8, gần đây nhất là T mất tích, nhưng dấu ấn của ký ức chỉ được nhà văn sống tại Pháp này thể hiện rõ nhất qua tác phẩm Chinatown.

Những ưu tư, trăn trở của đời người

Có thể thấy một điểm nổi bật trong dòng văn học của những tác giả Việt kiều chính là cách nhìn cuộc sống già dặn, triết lý và ước vọng kiếm tìm những giá trị nhân sinh tiềm ẩn trong dòng chảy vô biên của cuộc đời.

Nhà văn Thuận đã từng làm người đọc xót xa và ngỡ ngàng với tác phẩm T mất tích. Nhân vật không có được một cái tên trọn vẹn, bởi T có thể là bất kỳ một ai đó. Con người hiện hữu nhưng đôi lúc lại là một sự hiện hữu vô thanh, vô sắc. Thuận đã cho T mất tích vào một ngày bình thường. Và cuộc sống vẫn diễn ra tuần tự mỗi ngày trên một sợi dây dài không chút gợn sóng. T không xuất hiện trong tác phẩm nhưng lại tồn tại suốt chiều dài câu chuyện. Cho đến cuối cùng, người đọc cũng không biết T là ai, nhưng nhân vật đã để lại một tiếng thở dài không bình lặng. T không mất tích, mà chính là trốn chạy sự cô độc triền miên, trốn chạy cả cái vòng tuần hoàn của cuộc sống tưởng chừng êm đềm nhưng lại hờ hững, dửng dưng đến tàn nhẫn. Không có điện thoại, không kết nối Internet, con người có thể dễ dàng bị lãng quên giữa dòng đời như chính nhân vật T trong truyện. Nỗi trăn trở trong T mất tích chính là sự vong thân của con người trong thế giới hiện đại, con người có thể cô đơn cả trong thế giới loài người.

Còn trong tác phẩm Và khi tro bụi của nhà văn Đoàn Minh Phượng, người đọc không bước qua một cánh cửa, không đi theo một đường thẳng mà cứ bị dẫn dắt qua bao lối rẽ. Người đàn bà đi tìm cái chết, nhưng rồi cuối cùng chính chị phải tìm cách ngăn lại một cái chết khác. Mỗi người được sinh ra không phải để đi tìm cho mình một dấu chấm hết, mà là một mắt xích tạo nên dòng đời. Cho dù cuộc đời chỉ được ghi nhận bằng dòng chữ ngắn ngủi “Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh”, thì cuộc đời mình không phải là một trang giấy trắng.

Nỗi ưu tư chảy trong dòng văn học của những người xa xứ còn gợn lên trong trang viết của cả những cây bút trẻ. Cây bút thuộc thế hệ 8X Trương Quế Chi để lại trong thơ mình nhiều suy ngẫm già dặn hơn chính tuổi thật của mình. Sinh năm 1987, nhưng những dòng thơ của Trương Quế Chi lại là những ưu tư nặng lòng: “Cô gái 16 tuổi-Ngạc nhiên vì những lỗi lầm không bao giờ hết. Cô gái 16 tuổi, thích giống người đàn bà mặc áo đen tự sự –ngạc nhiên vì thấy mình không thể lớn nổi nhờ một bộ quần áo” và cả những điều “ngạc nhiên nhiều đến mức chẳng thể ngạc nhiên được nữa”.

Ước vọng sống mãnh liệt

Nhân vật trong các tác phẩm của những nhà văn nữ thường là phái yếu, nhưng họ lại rất mạnh mẽ khi đối mặt cuộc sống. Dường như chính những lo toan thường nhật và đôi lúc trực diện với nỗi đau đã làm nên tính cách của các nhân vật nữ chính. Mạnh mẽ để tồn tại giữa bôn ba đời người, bản lĩnh để nhận ra giá trị đích thực của mỗi cuộc đời. Những trang viết của Đoàn Minh Phượng luôn để lại một nỗi xót xa ngân dài trong lòng người đọc.

Nếu Và khi tro bụi đằng đẵng những giọt đắng bằng hình ảnh người đàn bà mang dấu chấm thiên di, thì trong tác phẩm Mưa ở kiếp sau (NXB Văn học, 2007), tác giả lại đưa người đọc bước vào một thế giới ma mị, một thế giới loài người đầy rẫy tội ác, lừa gạt. Một câu chuyện dài nhiều tủi nhục, đắng cay, và thấm thía với những triết lý về cuộc sống. “Người ta cần một dòng sông, để thò tay chạm được trăng. Và trăng chỉ chạm được khi nó vỡ”- cuộc sống là một sự đánh đổi, lắm khi nghiệt ngã. Một cuộc đời bị xô nhào vào cạm bẫy và những toan tính. Ý chí của cô gái 22 tuổi trong Mưa ở kiếp sau bị thách thức tới cùng khi đứng trước lằn ranh giữa đạo đức và lòng thù hận. Và lại một lần nữa, tính cách mạnh mẽ của nhân vật nữ chính lại được bộc lộ.
Có một dòng chảy trầm, buồn trong trang viết của những cây bút thiên di. Ở đó, người đọc nhìn thấy được những ước vọng sống mãnh liệt của con người.