Vinh danh cuộc đời chìm nổi của Nguyễn Công Trứ

11:18, 21/12/2008

 - Nhân dịp kỷ niệm 230 năm ngày sinh và 150 năm ngày mất của danh nhân Nguyễn Công Trứ (1778- 1858),  UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm để tôn vinh danh nhân này.  

Giang sơn một gánh...

 

Nguyễn Công Trứ được người đời ca ngợi là 1 bậc "kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hưng rung" có nghĩa là cách sắp xếp việc nước đã định sẵn trong lòng, đồ binh giáp để đánh giặc (tức là tri thức quân sự) đã định sẵn trong bụng.

 

Từ ngày 17/12 đến 20/12 đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi tại Nghi Xuân – quê hương ông. Trong ngày 18/12 đã khai mạc hội chợ và tổ chức đêm thơ nhạc, hát ca trù. Một hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Công Trứ cũng được tổ chức trong ngày 19 nhằm hiểu rõ thêm thân thế, sự nghiệp và cống hiến của ông với nền văn hóa nước nhà.

 

Tối ngày 19-12, tại Nhà Văn hóa Trung tâm huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh đã cho ra mắt vở kịch “Ông phó Uy Viễn” của tác giả Nguyễn Ban.

 

 Sự kiện nổi bật nhất là lễ kỷ niệm chính thức sẽ diễn ra vào 20h tối ngày 27/12 (được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam) với tên gọi “Thông reo ngàn Hống”. Ban tổ chức đã dùng hình ảnh “thông reo” trong câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Còn “ngàn Hống” là tên cổ của dãy núi Hồng, sông Lam - những địa danh nổi tiếng của mảnh đất Hà Tĩnh. 

 

Chương trình sẽ mang âm hưởng của nghệ thuật dân gian ca trù - nghệ thuật mà Nguyễn Công Trứ đã có công khai phá từ thế kỷ XVIII.

 

Hà Tĩnh cũng đã cho triển khai dự án đầu tư xây dựng khu Vườn hoa - Tượng đài Nguyễn Công Trứ trong thành phố Hà Tĩnh. Đồng thời triển khai việc trùng tu chùa Cảm Sơn ở Núi Nài (nơi gắn bó với danh nhân Nguyễn Công Trứ).

 

Năm 1861, nhà thờ Nguyễn Công Trứ được dựng lên tại làng Uy Viễn (nay là thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân). Đến năm 1936, nhà thờ được làm lại lần hai. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa to lớn nhà thờ được Bộ VH-TT công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 1991. (Bức ảnh trên chụp nhà thờ Nguyễn Công Trứ được làm mới hoàn toàn!). Ảnh: Duy Tuấn

 

Thuyền quyên ứ hự...

 

Nguyễn Công Trứ (1778 -1858) hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, quê ở làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm Gia Long thứ 18, ông đậu Giải Nguyên trường Nghệ (1819), trong 28 năm làm quan giữ 26 chức vụ khác nhau: Hành Tẩu Sử Quan, Tri huyện, Lam Trung, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Thừa Thiên Phủ Thừa, Tổng Trấn Bắc Thành, Thượng thư, Tổng đốc Hải An...

 

 Bức bản đồ huyện Kim sơn (tỉnh Ninh Bình) năm 1932, 1 trong 2 huyện duyên hải mà Nguyễn Công Trứ đã có công khai phá (ảnh chụp tại nhà thờ ông ở Nghi Xuân). Ảnh: Duy Tuấn

 

Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc, sáng tác văn chương, nghệ thuật. Lịch sử ghi nhận ông là nhà kinh luân lỗi lạc, nhà quản trị giàu năng lực, vị tướng tài, một nhà thơ, nghệ sĩ lớn của Việt Nam.

 

huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình)... Ông để lại nhiều sáng tác văn chương bằng chữ Nôm có giá trị và được coi là người đã định hình, đưa thể Hát nói - một thể loại đặc sắc trong Ca Trù thành loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam lên đỉnh cao.

 

Nguyễn Công Trứ còn nổi tiếng là 1 con người đa tình. Trong cuộc đời, ông có tất cả là 13 bà (1 vợ chính và 12 bà thiếp) và có đến 26 người con (12 con trai và 14 con gái).

 

Trong sự nghiệp của mình ông đã từng 5 lần bị cách chức, giáng chức, trong đó có lần bị án “trảm giam hậu”, có lần phải làm lính trơn đày đi xa. Về hưu lúc bảy mươi tuổi với hai bàn tay trắng, triều đình ban cho ông nhiều bổng lộc khi về hưu nhưng ông chỉ xin lấy 1 con bò cái, 1 cỗ xe, 100 quan tiền rồi… về quê.

 

Ông mất năm 1858. Trước khi chết, Nguyễn Công Trứ đã từ chối mọi nghi lễ của triều đình, chỉ dặn lại con cháu chôn ông ngay tại huyệt đã đào sẵn dưới chõng tre trong ngôi nhà đơn sơ của mình rồi trồng bên mộ một cây thông với lời nhắn nhủ “Kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”