Lễ hội 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa diễn ra sáng nay “Mùng 5 tết trận thắng to” với chương trình nghệ thuật sử thi tôn vinh vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa.
Đoàn tế lễ của phường Trung Liệt- Q.Đống Đa đảm trách phần rước kiệu Vua Quang Trung từ nhà bảo tàng vào sân hành lễ, trước tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ lúc 6 giờ sáng. Đoàn Phật tử Yên Tử và đoàn tế huyện Mê Linh nối gót tiến vào sân.
Trước đó, có lễ dâng hương tại chùa Bộc và chùa Đồng Quang- hai di tích quan trọng gắn liền với chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa.
Năm nay, chúc văn thay cho diễn văn, Nguyễn Khắc Phục viết: Đoàn voi chiến băng đại ngàn ra trận/ Những chàng trai Thanh, Nghệ bỏ cày cuốc tòng quân/ Mắt nhìn thẳng hướng Thăng Long giục bước, Một trận rồng lửa giặc tan tành/ Bỏ thành cướp đò trốn cho nhanh/ Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến/ Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh...
Giọng NSƯT Quốc Chiêm sang sảng đọc chúc văn, còn NSƯT Lê Chức hào hùng trong lời bình do ông soạn cho chương trình nghệ thuật sử thi Cánh đào báo tiệp do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản.
Vua Lê Chiêu Thống rước voi giày mả tổ, nhân dân khổ cực trăm bề. Cảnh này nhanh chóng nhường chỗ cho hùng binh Tây Sơn thần tốc hành quân với thế chẻ tre.
Không hiếm đại cảnh hoành tráng như công chúa Ngọc Hân bóng loan rầu rầu ở kinh thành Phú Xuân đợi chờ cành đào báo tin thắng trận của vua Quang Trung, đặc biệt là cảnh Thăng Long đón chào anh hùng áo vải- được chăm chút từng ly cả phục trang, đạo cụ lẫn âm nhạc.
Giữa tiếng trống hội Thăng Long vẫn do Huỳnh Tú dàn dựng, là rối to, mặt nạ, nhào lộn, trượt patin, tung hứng, đứng thang... Đây mới là không khí của ngày hội khi các trò này đều được kéo xuống sân hội cho gần khán giả hơn.
Ca khúc Ai tư vãn (Trọng Đài sáng tác) lần đầu tiên vang lên ở Hà Nội với giọng ca Tấn Minh tưởng nhớ công chúa Ngọc Hân- con gái vua Lê Hiển Tông, người đóng góp một vai trò lớn trong sự nghiệp của Quang Trung Nguyễn Huệ. Mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, Quang Trung trấn giữ Thăng Long sạch bóng quân thù- đó là ước mong của bà. Chương trình sử thi cũng giành một thời gian dài để khắc họa Ngọc Hân.
Theo NSƯT Quốc Chiêm- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch, chương trình sử thi Cánh đào báo tiệp được dựng theo dạng ca vũ kịch, vì thế khá hấp dẫn. Sở huy động tất cả các đoàn nghệ thuật của thành phố cùng câu lạc bộ võ thuật Hà Nội tham gia.
Khoảng 600 nghệ sỹ và vận động viên thể hiện màn sử thi, biểu diễn võ Bình Định và vào vai nhân dân Thăng Long. Vai Quang Trung do nghệ sỹ Quang Dương đảm nhận, vai Ngọc Hân dành cho Thảo Quyên, cả hai đang là diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội.
Kịch bản chương trình: Nguyễn Khắc Phục, tổng đạo diễn: NSƯT Trọng Đài- NSƯT Quốc Toàn, âm nhạc: Trọng Đài, biên đạo múa: Quốc Toàn- Mai Hương, trống: Huỳnh Tú, lời bình: NSƯT Lê Chức, âm thanh và sân khấu: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Chương trình dài 40 phút, lâu hơn những năm trước.