Những sự kiện đặc biệt của đời sống văn học 2008

08:25, 04/01/2009

 - 2008 không phải là năm biến động lớn của văn đàn Việt Nam, nhưng cũng có nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm.

Nỗi buồn chiến tranh "hụt" lên phim Mỹ

 

Năm 2008 – một năm chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt của đời sống văn học. Đầu tiên phải kể đến câu chuyện của nhà văn Bảo Ninh – cha đẻ của tiểu thuyết: “Nỗi buồn chiến tranh” từ chối cộng tác với đạo diễn người Mỹ Nicolas Simon.

 

Theo nhà văn Bảo Ninh, kịch bản của bộ phim đã không “thuần Việt” như nhà văn mong muốn và ông từ chối cộng tác.

 

Giới điện ảnh và người yêu văn chương khá ngạc nhiên về sự kiện này. Nó làm sống lại cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam. Và có lẽ, trong hàng ngàn tác phẩm viết về cuộc chiến tranh này thì hầu như cho đến bây giờ chỉ còn Nỗi buồn chiến tranh được nói đến bởi chính nó chứ không bởi một lý do nào khác.

 

Việc chối từ tham gia bộ phim cho dù Bảo Ninh chẳng còn quyền gì nữa với việc chuyển thể này. Ông đã bán đứt bản quyền chuyển thể từ nhiều năm trước. Nhiều người gọi ông là kẻ “bán lúa non”. Các nhà văn Việt Nam luôn luôn sẵn sàng “bán lúa non” cho các nhà xuất bản nước ngoài nếu có cơ hội. Bởi thực sự, văn chương của chúng ta vô cùng khó khăn tìm được con đường “xuất ngoại”.

 

Nhà làm phim Mỹ toàn quyền làm bộ phim này cho dù Bảo Ninh tham gia bằng cách nào đó hoặc không tham gia. Nhưng họ đã dừng làm bộ phim lại. Không phải họ sợ Bảo Ninh mà họ tôn trọng tác giả của cuốn tiểu thuyết và hơn nữa họ cần nhìn lại kịch bản để có một bộ phim tốt hơn khi còn có thể. Nghe nói, nhà làm phim sẽ tìm một đạo diễn khác. Còn ở ta, có những đạo diễn đã làm tan lòng tác giả kịch bản.

 

Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng văn học ASEAN

 

Năm 2008 có lẽ là một năm đầy sự kiện đối với nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Chị là nhà văn trẻ nhất, trẻ đến bất ngờ khi được nhận giải thưởng văn học ASIAN. Bởi các nhà văn Việt Nam nhận giải thưởng này trước đó là những nhà văn già.

 

Gọi là giải thưởng ASIAN nhưng đó lại là giải thưởng thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam. Vì Những người trao giải có biết cuốn sách họ trao giải viết gì và viết như thế nào đâu. Hội Nhà văn chọn cuốn nào thì họ trao giải cuốn đó. Những người tổ chức ra giải thưởng này chỉ với mục đích tăng cường danh thế của họ và gắn kết mối quan hệ của các nước trong khu vực với nhau bằng văn học.

 

Cho dù giải thưởng này là thế nào thì Nguyễn Ngọc Tư là người xứng đáng. Tiếp đó, tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của chị được xuất bản tại Hàn Quốc.

 

Cũng năm 2008, chúng ta không thể không nhắc đến một nhà văn danh tiếng khác của Việt Nam được giải thưởng quốc tế. Đó là nhà văn truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi gọi ông là nhà văn truyện ngắn vì ông liên tục thất bại trong các tiểu thuyết của mình.

 

Giải thưởng mà ông nhận từ nước Ý mang tên Nonino Risit d’Âur Prize. Tổ chức trao giải thưởng này là một Hãng rượu nho nổi tiếng nhưng những người chấm giải cho nó lại vô cùng tên tuổi. Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho biết, Chánh chủ khảo của giải thưởng năm nay là nhà văn giải Nobel: V.S Naipaul.

 

Văn học Việt Nam phải đi từng bước từ giải thưởng “không cần đọc tác phẩm” của Hoàng gia Thái Lan hay của Tập đoàn sản xuất rượu vang Ý. Văn học Việt Nam hiện đại vẫn như một chàng trai mới lớn so với nhiều nền văn học trên thế giới. Bởi thế giải thưởng nào trên thế giới cho văn học Việt Nam đều cần thiết. Mỗi giải thưởng giống như một bước đi của cậu bé để đến một ngày cậu đến được Viện Hàn lâm Thụy Điển.

 

Còn Giải thưởng Hội nhà văn năm 2008 vẫn là sự kiện văn học đáng chú ý hàng năm nhưng lại không gây được chú ý nào ngoài cuộc tranh cãi đúng hay sai thực tế của một vùng đất trong chiến tranh mà tác giả “Sóng chìm” đề cập.

 

Nhưng nhà văn ở vùng quê đó nói Đình Kính không tôn trọng lịch sử còn Đình Kính phê phán họ không hiểu sáng tạo tiểu thuyết là gì. Cuộc tranh luận này giống như hai người đứng quay lưng vào nhau và ra sức bảo vệ hai việc khác nhau.

 

Điều đang buồn cho Giải thưởng Hội Nhà văn là cả hai năm liên tiếp không thơ. Nhưng chỉ sau đó ít ngày, những người quan tâm cũng chẳng còn nhớ gì đến nữa. Bởi thực sự lâu nay Giải thưởng của Hội nghề nghiệp to nhất nước ta đã không còn giữ được “phép thiêng” của mình nữa. Có lẽ thế mà các giải thưởng tư nhân bắt đầu xuất hiện.

 

Năm 2008, Giải thưởng thơ Lá Trầu - giải thưởng văn học tư nhân đầu tiên dành cho các nhà thơ nữ do Quỹ Lời vàng Eva thành lập năm 2007 đã nói lời tạm biệt sau khi trao giải thưởng duy nhất trị giá 25 triệu đồng cho tập Bay lặng im của Trang Thanh. Nhiều người hài hước cho rằng vì trao cho Bay lặng im nên giải Lá Trầu cũng bay đi im lặng.

 

Tháng 4/2008, một giải thưởng thơ mới mang tên Bách Việt (do công ty CP văn hóa Bách Việt bảo trợ) chính thức ra đời và sẽ trao giải vào ngày 10/1/2009 sắp tới. Khác với Lá Trầu - chỉ dành cho các nhà thơ nữ, giải thưởng thơ Bách Việt mở rộng biên độ cho mọi đối tượng, chỉ với điều kiện tác phẩm chưa từng được công bố. Một yếu tố cũng khiến giới làm thơ phấn chấn đó là trị giá giải thưởng này lên tới 30 triệu đồng.