Làm sống lại tranh làng Sình

14:23, 20/04/2009

Tranh làng Sình là một trong những dòng sản phẩm truyền thống lâu đời của dân làng Lại Ân, xã Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế ). Tranh làng Sình là một dòng tranh dân gian Việt Nam, được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế với mục đích cúng lễ.

Tranh làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) bởi chức năng duy nhất là phục vụ thờ cúng, cúng xong là đốt. Vì vậy, đến nay chỉ còn những bản khắc gỗ là hiện vật quý giá còn lưu giữ được ở nhà ông Kỳ Hữu Phước - một nghệ nhân lâu năm ở làng Sình.

Tranh làng Sình làm theo đúng nguyên bản truyền thống là một nghề đầy công phu. Đây là dòng tranh mộc bản. Giấy in tranh là giấy mộc quét điệp, màu sắc được tạo từ chất liệu tự nhiên, như: sò điệp, cây cỏ, hoa trái, kim loại... Màu chủ yếu trên tranh làng Sình là xanh dương, vàng, đỏ, đen, lục. Mỗi màu này có thể trộn với hồ điệp hoặc tô riêng; khi tô riêng phải trộn với keo nấu bằng da trâu tươi...

Theo thời gian, tranh làng Sình đang mất dần đi truyền thống xưa. Các bản khắc gỗ cũ còn lại với số lượng rất ít, các bản khắc mới xa rời yếu tố gốc và người làm nghề cũng đã dùng sản phẩm sơn, màu công nghiệp thay cho các chất liệu màu truyền thống...

Khôi phục và phát triển tranh làng Sình gắn với phát triển kinh tế -xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là một yêu cầu mới của địa phương. Đây cũng là nguyện vọng của những người dân đã từng gắn bó với nghề truyền thống này. Qua quá trình sưu tầm, hiện nay tranh làng Sình có 6 bộ chính với 42 bản mộc, gồm: bát âm, thế mạng, bổn mạng, súc vật, gia dụng, 12 con giáp...

Mấy năm nay, với tâm huyết của mình, ông Kỳ Hữu Phước đã xây dựng đề án thiết kế bản mẫu mới để sản xuất các sản phẩm tranh truyền thống làng Sình phục vụ du lịch.

Đề án do cơ sở ông Kỳ Hữu Phước chủ trì thực hiện với sự tư vấn của các họa sĩ, các nghệ nhân làng nghề và các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng Huế. Theo đó, có 4 mẫu mới là các hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu với 9 bản khắc sẽ được thực hiện, bao gồm: 4 bản vật làng Sình (với 4 thế vật cơ bản), 2 bản bịt mắt bắt dê, 2 bản kéo co và 1 bản bài chòi.

Sau khi thiết kế các mẫu lên giấy và lấy ý kiến đóng góp của các họa sĩ, các nhà nghiên cứu, các bản vẽ sẽ được hoàn thiện, sản xuất thử nghiệm và tiến hành giới thiệu, tiếp cận thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đề án vừa được Trung tâm Khuyến công của tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào danh mục để hỗ trợ vốn năm 2009. Trong tổng mức đầu tư hơn 33 triệu đồng để thực hiện đề án trên, số tiền 16 triệu đồng mà cơ sở ông Kỳ Hữu Phước đề nghị Nhà nước hỗ trợ đã được chấp thuận.