Trần Nhuận Minh, một vỉa than thầm lặng

10:26, 03/07/2009

  Tôi biết tên nhà thơ Trần Nhuận Minh lâu lắm rồi, không phải vì anh là anh trai của nhà thơ Trần Đăng Khoa nổi tiểng mà vì những câu thơ "thật thà như đếm" tôi đọc được cách đây chừng 20 năm: Những năm chú ra trận/ Thím buồn vui một mình/  Thím bảo những năm ấy/ Là những năm hòa bình…(Thím Hai Vui)

 

Dù chưa một lần gặp mặt, nhưng thấy người đàn ông đứng trước số nhà 47- đường Lê Thánh Tông, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), tôi biết ngay đó là Trần Nhuận Minh. Dáng người thấp đậm, nét mặt hiền hiền. Anh đón chờ các bạn văn Thái Nguyên khi biết tin chúng tôi đến. Vài phút trò chuyện trôi qua, tôi như đã biết anh lâu lắm rồi. Chân chất, sâu lắng, chia sẻ.

 

Đọc tuyển tập "Bốn mùa" dày gần 500 trang vừa xuất bản cuối tháng 5/2009 của anh, mới thấy con người này như cảm nhận của mình: Chính cái chân chất, có phần cục mịch xù xì, như hòn đá tảng của anh lại làm nên nét hấp dẫn riêng.  Đúng như anh tự hoạ: Tôi / Tảng đất sét bên bờ sông Kinh Thày/  Mùi mồ hôi nửa dầu, nửa muối…/ Tôi bây giờ như tảng đá đen/ Nguyên khối xù xì/ Thiên nhiên chịu không đẽo gọt được nữa/ Và một ngọn lửa/ Trầm tĩnh tuổi bốn mươi/ Lặng lẽ cháy lên trong cơ thể tôi…

 

Trước đây, quan điểm của tôi về thơ là phải có chút ảo, như ngọn núi trong sương, như đám mây che trời xanh, chứ thơ mà rõ quá, đọc lên hiểu ngay thì…mất thơ. Nhưng đọc Tuyển tập của Trần Nhuận Minh tôi lại nghĩ khác, hoá ra tận cùng của thơ không phải là ảo hay thực mà là chất trữ tình. Tình của anh ào ạt như con sóng bạc đầu, cuốn người đọc vào cảm xúc thăng hoa mà vẫn chân thật.

 

Đọc thơ anh như đọc nhật ký của người chăm ghi chép: từ giấc chiêm bao, từ người bạn đến chơi nhà, cuộc tiễn bạn ở rạp hát, tiễn một người vợ lính, gặp bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ… anh đều có thơ. Đọc thơ anh là đọc những thân phận của một con người cụ thể: Thím Hai Vui,  chị Hồng Tâm, mợ Hữu, dì Nga, cháu Thuỷ…. Dường như anh đang viết về họ hàng, người thân của mình và người nào anh cũng xa xót đến tận cùng. Câu chuyện về cuộc đời họ, anh  kể mộc mạc lắm, nhưng ở đáy câu chữ, ở đáy bài thơ nào cũng chất chứa, ảm ảnh một nỗi niềm. Thơ anh cứ thủ thỉ nhẹ nhàng vậy, mà không biết từ lúc nào, khoé mắt của người đọc cay cay: Nhà bá khuất sau vườn mía rộng/ Bá ngồi hiên bỏm bẻm nhai trầu/ Niêu đất nấu cơm, chõng tre rải ổ/ Bá chả cần gì hơn thế đâu…. (Bá Kim); Mợ khổ từ thời tấm bé/ Mong chi lầu trắng gác xanh/ Cậu chết mợ thành người lạ/ Bơ vơ trong chính nhà mình/ Chẳng thiếu kẻ đe người ướm/ Nhà xinh mợ lại càng xinh/ Như con thuyền nan không bến/ Lênh đênh trong chính phòng mình (Mợ Hữu)…

 

Con người chiêm nghiệm này, không vội vui, chẳng vội buồn. Anh điềm tĩnh nhìn thấu lẽ đời, như thấy vỉa than nằm sâu trong đất: Anh làm Chủ tịch khoá này/ Bước ra trong tiếng vỗ tay vang rền/ Ngà ngà chén rượu sang đêm/ Nỗi vui nghiêng ngửa áo hoen giọt mờ… Nhưng: Mong sao lúc thất thế rồi/ Trong đây còn có một người đón anh (Tiệc đêm)…Nhưng anh cũng là tác giả của một tập thơ rất ảo, tập Bản xônát hoang dã, tập thơ đầy chất chiêm nghiệm 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh và tập thơ rất giầu chất dân gian Miền dân gian mấy trắng, in chung trong tuyển Bốn mùa.

 

Tôi muốn dành những dòng cuối bài, nói về một Trần Nhuận Minh khác, đó là con người tỉ mỉ, cẩn trọng, như một nhà thư mục học, trong việc lưu trữ  tài liệu cho mình và cho người em trai, nhà thơ Trần Đăng Khoa. Vào phòng làm việc của anh, tôi không khỏi ngạc nhiên, khi nhìn thấy nhiều bọc lớn, bọc bé, được anh chằng buộc cẩn thận xếp trên giá gỗ, hoặc xếp từng chồng như ta xếp gạch, dọc theo tường nhà. Hoá ra, từng tập thơ đã xuất bản,  từng tờ báo đã đăng bài, sáng tác hoặc bình luận về sáng tác của hai anh em, khen hay chê, anh đều trân trọng như nhau, và đều ghi chép, lưu trữ cẩn thận. Anh cười bảo: “Để chơi thôi mà. Sau này rất có thể, con cháu sẽ bán giấy vụn, hoặc, kính biếu ông Mối, bà Mọt liên hoan đánh chén…”

 

Gia sản sáng tác của anh đã khá lớn, nhưng anh vẫn đang tiếp tục làm việc. Anh đang làm tập thơ thứ 16, có tên là Hoàn Nguyên, với chủ đề là hoàn nguyên các số phận người, về thể loại là thơ văn xuôi, dự định khoảng 100 trang in, lời thơ cố gắng viết cho đẹp, dự kiến sẽ xuất bản vào năm 2010, năm tròn 50 năm (1960 - 2010), làm thơ và có thơ đăng báo của tác giả.  Anh cũng đang viết cuốn tiểu thuyết thứ 3 có tên là “Cõi người”, như anh dự định, thì đây là cuốn sách nói về cuộc sống của một làng quê, khoảng 500 năm, với bút pháp nửa hư nửa thực, có các sự kiện lịch sử nhưng không phải là tiểu thuyết lịch sử. Anh lấy 2 câu thơ của Săngđô Fêtôphi, nhà thơ cách mạnh Hung-ga-ri làm đề từ: Bước vào trong láo nháo cuộc đời / Mới biết chúng ta nhầm lẫm cả. Với bất cứ ai, con đường  đến với chân lý đều không đơn giản.

 

Mặc dù anh, với nhạy cảm trời phú cho người cầm bút, đã nghe tiếng gió đuổi thời gian hun hút: Ta lắng nghe man mác tuổi sương chiều/ Ngan ngát tím nỗi bâng khuâng muôn thuở/ Tiếng chuông cũ lên rêu sườn tháp cổ/ Mây chập chờn thức ngủ trắng hàng thông… Tôi nhận ra người đàn ông tuổi 65 này, giống như tầng than Quảng Ninh, đang thời kỳ cháy đượm, còn đủ nhiệt, luyện gang luyện cốc, đủ dâng hiến cho cuộc đời nhiều điều đáng đọc, đáng nghĩ. Ai bảo cứ phải về nơi đô hội mới có thể khẳng định được tên tuổi. Trần Nhuận Minh đã toả sáng ở vùng than này. Không tỏa sáng thì không tồn tại. Những vỉa than lặng thầm đã dạy anh điều đó.