Một cuộc triển lãm độc đáo - “Tranh thờ Đạo giáo Việt Nam” đang được trưng bày tại nhà triển lãm Viet Art Centre – 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 150 bức tranh thờ cúng của các tỉnh miền núi phía Bắc của Phạm Đức Sĩ. Triển lãm sẽ trưng bày đến hết ngày 25/10/2009.
Các bức tranh được trưng bày trong dịp này gồm: 4 áo thầy cúng, 30 mặt nạ gỗ (của thầy cúng) cùng 3 khuôn in tranh và 4 giấy cấp sắc cho các thầy cúng, được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh thờ cúng Đạo giáo-Phật giáo. Bộ tranh của Phạm Đức Sĩ gồm gần 350 bức, sưu tập tranh của dân tộc Kinh, tranh Tày-Nùng, tranh Cao Lan-Sán Chỉ, tranh Sán Dìu và tranh Dao.
Tranh Đạo giáo ở miền núi phía Bắc Việt
Các dân tộc Dao, Cao Lan, Tày, Nùng, Kinh đều có loại tranh thờ cúng này. Cùng nằm trong đạo thờ thánh, nên những nhân vật Tiên thánh chủ chốt của Đạo giáo là Tam Thanh, hình tượng thường giống nhau. Phần còn lại tranh cũng được thể hiện theo quan niệm của riêng của dân tộc mình. Ví dụ, Vua bếp của người Dao đẹp thanh thoát, nhưng tranh Vua bếp của người Giáy lại là hình tượng quỷ (râu tóc đỏ), với vai trò thần giữ nhà. Người Cao Lan có tranh “Dẫn hương lộ” vẽ đường về trời của người chết. Cùng với ý niệm đó, người Tày có tranh độ linh, người Dao có Tồm Tòong, người Sán Dìu lại có Cung nghinh thánh đế. Người Giáy cúng Xúi quẩy có bức tranh “bát quái vô danh” vẽ trên vải dài đến 5m, (rộng 0,20m) vẽ đến 32 khổ tranh nội dung kể lại cả một hành trình dẫn độ những điều xấu xa ra khỏi nhà.
Xuất xứ của tranh Đạo giáo thờ tiên thánh là từ Trung Hoa. Theo “Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt
Hãy gạt bỏ mọi thiên kiến một thời, để nhìn nhận lại giá trị văn hoá, giá trị nghệ thuật của thể loại tranh thờ cúng. Khi xem bộ tranh bày ra theo thứ tự của nghi lễ cúng thì thấy ngay được vũ trụ quan của tín ngưỡng này. Trong đó, thế giới thần linh được sắp xếp theo một trật tự cơ cấu quyền lực thống nhất, có trên có dưới, có trách nhiệm cai quản vùng miền với sự chấp pháp nghiêm minh. Mỗi một hình thức cúng bái thì bày tranh nào, ở đâu. Các thần linh cai quản nhân gian rất chặt chẽ và các hình phạt với các tội danh con người gây ra rất dữ dội. Với 10 cửa điện dưới âm phủ, chất bạo lực của hình phạt thể hiện tính răn đe cao với thế giới con người.
Nếu ở đồng bằng, bài học luân lý về đạo làm người thể hiện rất rõ ở chùa chiền thông qua tích Phật, mặt “động” (một hình thức của Thập điện Diêm Vương) và các chư Phật, thì ở miền núi, những buổi cúng lễ, người trong bản từ trẻ đến già tới rất đông, không tham gia gì vào việc hành lễ mà chỉ là để xem và nghe hát. Vô tình nó lại là lớp học đại cương đầu tiên về giáo lý của cư dân miền núi khi chưa có nền giáo dục học đường.
Để đạt được mục đích răn đe và giáo hoá con người, những vị thần linh cũng được các họa công tạo ra uy vũ bằng hình tượng oai nghiêm và dữ dằn bằng cân nhắc kỹ lưỡng những chi tiết trên các bức hoạ để bộc lộ cao nhất tính áp chế quan phương, khiến người ta chỉ còn biết khuất phục hướng thiện. Đây là những tranh thể hiện vai trò của Tam thanh, của Thập điện Diêm Vương, của Tứ đại Nguyên suý (thần mưa-gió-sấm-chớp), những vị có uy quyền nhất. Tranh cúng Xúi quẩy thì lại bộc lộ thái độ khoan hoà để xua cái xấu đi bằng cách cho ăn cho uống, tạo phương tiện đi lại và đuổi ra biển xa. Tranh Vua bếp có sự vui vẻ ấm cúng gia đình với chuyện cỗ bàn , mỗi người một việc, tranh “Tứ trực ông Tào” đầy sự vui vẻ thoáng đãng với không gian bao la để các thần đi lại trình tấu việc con người tới Thiên đình được hanh thông. Một thế giới thần linh trong tranh như là phản chiếu cuộc sống từ dân gian vào vậy.
Ngày nay, con người khám phá thế giới đã tiến một bước dài nhưng cũng chưa thể nói là đã giải thích hết và hiểu được bao nhiêu về thế giới tâm linh và nhiều hiện tượng thiên nhiên. Một vũ trụ quan trong tâm linh người xưa được thể hiện qua bộ tranh thờ vẫn còn là điều để chúng ta cũng nhau suy ngẫm và tìm hiểu. Đó là góc khuất luôn còn là dấu hỏi chưa thể xoá trong đời sống tinh thần mỗi người. Cho nên thể loại tranh thờ cúng trên vẫn còn nguyên giá trị văn hoá, nhân bản và nghệ thuật để chúng ta suy ngẫm và tiếp tục tìm hiểu, tiếp tục khám phá chính mình%.