Tượng đài Thánh Gióng: Biểu tượng của tinh thần quật cường và sức mạnh dân tộc

17:18, 07/08/2010

Nằm cách Quốc lộ 3 khoảng chừng 3,5km, Tượng đài Thánh Gióng được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng, nằm trong quần thể di tích Đền Sóc - Chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam 

Hình tượng Thánh Gióng biểu hiện sức mạnh trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của người dân Việt Nam. Giặc ngoại xâm đến thì ngay cả một cậu bé cũng sẽ trở thành chiến sĩ, đảm đương việc nước, đánh đuổi giặc thù.

 

Theo lưu truyền, đỉnh núi Đá Chồng là nơi sau khi đánh thắng giặc Ân, Thánh Gióng đã cưỡi ngựa bay về Trời (thăng thiên hóa Thánh). Từ đó, nơi đây đã gắn liền với huyền thoại Thánh Gióng. Tượng đài Thánh Gióng chiều cao 9,9m, chiều dài 16m, chiều rộng của đế tượng 9,0m, trọng lượng gần 100 tấn.

 

 Để tượng Thánh Gióng đẹp, có hồn, thể hiện được tư thế bay lên như sự vươn lên của dân tộc Việt Nam, ngay từ khi thiết kế, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân đã xây dựng kỹ từng chi tiết, đường nét của bức tượng. Mẫu tượng đài đã toát lên được thần thái và hình tượng của đức Thánh như trong truyền thuyết. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây, của hào quang và những cây tre đằng ngà. Thánh Gióng cưỡi ngựa, bay lên trời xanh, tay phải cầm một cây tre lớn.

 

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam xây dựng tượng đài của các đức Thánh. Tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng tại đỉnh núi An Phụ, xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nhưng công trình Tượng đài Thánh Gióng được đánh giá có tầm vóc, quy mô vào bậc nhất của nước ta. Từ khâu thiết kế, chọn lựa nguyên liệu đến việc thi công đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chí chuẩn của thế giới.

 

Từ khi đúc giọt đồng đầu tiên đến khi hoàn thành việc đúc tượng, Tượng đài Thánh Gióng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Về phía Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trực tiếp giải quyết nhiều công việc ngay tại các cuộc họp được tổ chức tại hiện trường công trình để chỉ đạo công việc sát sao, kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã quyết định mở con đường công vụ để việc vận chuyển các thớt tượng lên đỉnh núi đảm bảo tốt nhất. Quyết định đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho việc xây dựng công trình. Phó Chủ tịch thường trực thành phố Hà Nội Phí Thái Bình cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để công trình cán đích đúng tiến độ chào mừng 1.000 năm Thăng Long  - Hà Nội.

 

Khu vực Sóc Sơn, cùng với Đền Sóc - Chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam, Tượng đài Thánh Gióng sẽ trở thành một quần thể di tích văn hóa - lịch sử, một điểm hành hương lý tưởng cho các thế hệ con cháu Hồng Bàng. Đồng thời, nhắc nhở mọi người hãy nỗ lực lao động hết mình để đất nước ta tiến nhanh trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, lớn mạnh như Phù Đổng./.