Yêu Hà Nội qua từng nét vẽ

10:30, 22/08/2010

Hà Nội đã sang Thu, trong hơi mưa ngâu mát lạnh thoang thoảng hương sen từ Hồ Tây đưa lại. Bước chân vào biệt thự Hoa Sen Trắng trong ngõ nhỏ của đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội), dường như sự ồn ào, náo nhiệt đã bỏ lại tất cả ngoài kia, để nơi đây chỉ thuần túy một không gian nghệ thuật. 

  

Trong căn biệt thự này, tranh treo kín các bức tường, dọc lối cầu thang, tranh xếp chồng lên nhau, và hoa sen được vẽ cả trên các bức phù điêu lẫn những hòn đá xanh lát bậc thềm. Chủ nhân của “thiên đường” ấy chính là “người đàn bà vẽ” nổi danh nhất nhì Hà Nội - họa sĩ Văn Dương Thành.

 

“Người đàn bà vẽ”

 

Cái tên Văn Dương Thành từ lâu không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội mà còn của Việt Nam, khi bà được giới hội họa châu Á chú ý. “Người đàn bà vẽ” suốt hơn hai mươi năm qua (từ 1988) bền bỉ là “đại sứ văn hóa” giữa Việt Nam - Thụy Điển, nỗ lực giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua việc giảng dạy hội họa, ẩm thực và bằng chính những tác phẩm của mình. Nhưng, cũng giống như bao nhiêu người “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”, trong Văn Dương Thành luôn luôn ấp ủ những kí ức, hoài niệm và một tình yêu vô bờ bến với mảnh đất mình gắn bó suốt những năm tháng đầu đời tươi trong. Tình yêu ấy dồn cả vào những nét vẽ để người xem, khi ngắm những tác phẩm về Hà Nội của Văn Dương Thành đều thấy được một Hà Nội theo dặm dài thời gian, vừa cổ xưa lại hiện đại, vừa tĩnh lặng nhưng cũng không kém phần sôi động, vừa mang hoài niệm của kí ức, lại ăm ắp hiện thực cuộc sống đương thời.

 

Với họa sĩ Văn Dương Thành, Hà Nội có đầy đủ những kí ức ấu thơ với người cha dù nghèo nhưng vẫn khuyến khích con gái học vẽ. Tiếc rằng, người cha mất quá sớm. Bởi vậy, sau này, mỗi khi nhớ đến cha là bà lại nhớ về Hà Nội với những góc phố nhỏ, quán nước, quán phở, với vỉa hè, ngôi nhà đọng lại màu kiến trúc, màu thời gian rất đậm.

 

Dấu vết thời gian

 

Hà Nội cũng là những buổi sáng nhịn ăn để có tiền mua báo Văn nghệ, nơi thường đăng tải những bức tranh, minh họa của bậc thầy hội họa Việt Nam Bùi Xuân Phái - người mà bà ngưỡng mộ và có nhiều kỷ niệm riêng, sau này còn trở thành mẫu vẽ của Bùi Xuân Phái. Được tiếp thu, thấm nhuần bút pháp, quan niệm nghệ thuật của những danh họa Thủ đô bấy giờ như Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh… để sau này, khi sang châu Âu, bà mới nhận ra rằng: chính nghệ thuật châu Á là điều đã làm cho các họa sỹ châu Á trở nên đặc biệt ở châu Âu. Cũng bởi vậy, bà vẽ chân dung những họa sĩ này bằng cả niềm kính trọng, biết ơn, tôn vinh, cùng với một niềm gửi gắm: họ, những họa sĩ ấy là một phần của linh hồn Hà Nội, là tinh hoa của Hà Nội mà nếu không có họ, Hà Nội sẽ thiếu vắng đi nhiều lắm.

 

Nhưng vượt qua tất cả những lý do cá nhân ấy, “Hà Nội có nhiều ảnh hưởng tới việc sáng tác của tôi vì Hà Nội là Thủ đô văn hiến của Việt Nam, Thủ đô đã 1.000 năm tuổi do vậy những di tích lịch sử, những nét đẹp của kiến trúc, những mẫu vật cổ khai quật được... là những bài học rất lớn cho văn nghệ sỹ. Ví dụ các họa sỹ có thể khai thác ở đó những nét văn hóa cổ, những hoa văn cổ, những nhịp điệu, cấu trúc của nghệ thuật Việt Nam”- nữ họa sỹ tâm sự. Vì vậy, người họa sĩ cũng có sứ mệnh ghi chép lại cảnh quan, những kiến trúc mà hôm nay còn, ngày mai có thể đã mất hoặc biến đổi. Nhiều bức tranh bà vẽ, đến nay cảnh đã không còn nữa. Với quan niệm “cái mới nảy mầm từ cái cũ”, mỗi một khoảnh khắc, một hình ảnh trong tranh của Văn Dương Thành còn là sự lưu dấu thời gian, cũng là để thể hiện một Hà Nội phát triển trên nền lịch sử./.