Nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho sinh viên về một nét đẹp văn hoá, tín ngưỡng dân gian, ngày 19/12, Khoa Văn - Xã hội của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã tổ chức chương trình ngoại khóa Văn hóa dân gian với nội dung: “Tìm hiểu nghi lễ Hầu bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu”. Tham gia Chương trình có một số nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên và hơn 400 sinh viên của Trường.
Thông qua chương trình ngoại khóa này, các sinh viên của Trường được giao lưu, tìm hiểu đầy đủ hơn về một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian (Hầu bóng); về nguồn gốc Hầu bóng được bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, xuất hiện từ thế kỷ XVI và trở thành nghi thức hành lễ quan trọng của những người gia nhập tín ngưỡng Tứ phủ. Điện thần Tứ phủ đại đa số là các vai vế thánh thần thuần Việt, là các biểu tượng Mẹ, Cha cùng hệ thống các vị thần linh dân tộc. Đó là các nhân thần hay các anh hùng dân tộc được đúc kết lâu đời trong dân gian. Tín ngưỡng Tứ phủ còn sản sinh ra một loại âm nhạc đặc sắc, gắn bó hữu cơ với các nghi thức thờ phụng là nghệ thuật hát văn. Mặt khác, Hầu bóng còn có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của các vị dưới hình thức diễn xướng có nghi lễ và hát văn.