Đã trở thành phong tục truyền thống, cứ vào cuối tháng chạp, sau khi tiễn ông Công ông Táo về chầu trời là các dòng họ trong các thôn làng lại chuẩn bị tiến hành ngày “chạp họ”.
Tùy theo mỗi địa phương hay mỗi tộc họ, “chạp họ” được định vào những ngày khác nhau, nhưng thường vào cuối tháng Chạp cận Tết Nguyên Đán. Đến ngày đó, con cháu trong họ tộc ở tại quê nhà hay đi làm ăn nơi đâu cũng đều tập trung về làng tham gia “chạp họ”, để cùng nhau đi viếng và sửa sang mồ mả. Làm lễ cúng giỗ tổ tiên ông bà của dòng họ, Ngày “chạp họ” cũng được coi là ngày giỗ họ để bà con gặp gỡ nhau, đôi hồi tâm sự, ôn lại truyền thống của gia đình, họ tộc, để truyền đời cho con cháu gắn bó, nối tiếp nhau giữ gìn gia phong...
Chạp họ xưa, phần lớn các dòng họ chỉ qui định nam giới hay còn gọi là “suất đinh” được đóng góp và tham gia ăn cỗ họ, còn phụ nữ thì không!
Quang cảnh xóm làng trong ngày “chạp họ” thật rộn rã, đầm ấm. Ngay từ sáng sớm, tất cả các “suất đinh” (đàn ông, con trai), lớn bé, già trẻ đã tề tựu tại từ đường (nhà thờ họ) rồi cùng nhau đi viếng mộ.
Mọi người kéo nhau ra đồng, người cầm cuốc, mang dao để rẫy cỏ, chặt cây mọc trên mộ, kẻ mang bó hương để thắp mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Các cụ cao niên trong họ thường đội khăn đóng, mặc áo the, vừa đi vừa chỉ dẫn cho cháu con biết từng vị trí các ngôi mộ trong họ đặt trên các cánh đồng. Đến trước mỗi ngôi mộ, sau khi thắp hương khấn vái, các cụ đều kể rành rọt từng ngôi mộ thuộc cành nào? chi nào? Không khí thật là trang nghiêm và thiêng liêng; mọi người đều im lặng đứng nghe để cùng nhau ôn lại gốc gác tổ tông...
Sau khi đi tảo mộ, con cháu về tập trung tất cả tại từ đường. Ông trưởng họ, hay là cụ cao niên nhất trong họ, đứng ra tuyên bố lí do và chương trình buổi lễ trước con cháu rồi ông trịnh trọng đặt mâm cơm cúng lên ban thờ và rót rượu, thắp hương khấn mời tổ tiên về chứng giám; tiếp đó tuần tự theo thứ bậc trong họ, mọi người đều thắp nén nhang, chắp tay khấn vái trong không khí đầy kính cẩn thiêng liêng.
Sau lễ cúng, việc họp họ được tiến hành. Trước hết là ông trưởng họ thông báo rành mạch về các việc họ đã làm trong năm qua. Rút kinh nghiệm trước họ tộc về những việc đã làm được và những gì còn thiếu. Từ việc đóng góp xây dựng, sửa chữa mồ mả, nhà thờ họ, đến các việc liên quan với họ tộc và những sự kiện trong năm như sự thăng quan, tiến chức, con cháu học hành đỗ đạt, chi nào, cành nào sinh thêm con, con cháu lập gia đình hay có người đã khuất... Tiếp đó là nêu những dự định công việc của họ phải làm trong năm mới.
Tiếp theo là phần tự nguyện đóng góp tiền bạc cho quĩ họ, ai góp bao nhiêu tùy tâm như là tiền công đức xây dựng. Sau khi thống kê về tài chính, thiếu đủ bao nhiêu thì được phân bổ về các chi, các cành có trách nhiệm đóng góp tiếp.
Sau khi cúng, con cháu lại tập trung tiếp tục nấu cỗ rất vui vẻ. Vào khoảng giờ trưa, bữa cỗ được dọn ra. Mọi người quây quần bên mâm cổ. Theo thứ bậc vai vế, mời các cụ đầu cành, trưởng họ ngồi mâm trên rồi lần lượt đến các con, các cháu. Tất cả diễn ra vui vẻ, ấm cúng như không khí trong một đại gia đình gồm nhiều thế hệ...
Nét đổi thay rõ rệt trong ngày “chạp họ” hoặc giỗ họ ngày nay trước hết là không phân biệt nam nữ như xưa, mà tất cả mọi người trong các gia đình họ tộc đều về tụ hội sum vầy. Cũng như xưa, trong ngày đó, sau lễ dâng hương kính cẩn cúng bái tổ tiên ông bà là phần kính báo của ông trưởng họ về công việc họ làm được trong năm qua trước mọi người.
Ngày giỗ họ gây giờ không chỉ quây quần bên mâm cỗ, mà nhiều nơi sinh hoạt văn nghệ trong ngày giỗ họ cũng đang là là nét mới, thanh thiếu niên trong họ rất thích tham gia, đã góp phần làm cho sinh hoạt tinh thần thêm vui vẻ, hân hoan phấn khởi...
Từ năm 1996, khi Hội Khuyến học Việt Nam ra đời, phong trào khuyến học, khuyến tài nhanh chóng phát triển sâu rộng trong cả nước và phong trào đăng ký phấn đấu trở thành Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học được đông đảo các gia đình và dòng họ hưởng ứng thì việc khuyến học, khuyến tài đã trở thành nét nổi bật trong chương trình của ngày “chạp họ” hay giỗ họ.
Tục lệ “chạp họ” hoặc giỗ họ được bảo tồn và phát huy, đã trở thành một nét đẹp trong những tục lệ ăn Tết Nguyên đán của người Việt Nam vốn thấm nhuần đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn". Nhờ có những lần họp họ mà anh trên, em dưới mới có dịp nhận ra nhau, quan hệ họ hàng dòng tộc thêm gắn bó. Khoảng vài chục năm trở lại đây, “chạp họ” đầu xuân đã được nhiềù dòng họ phục hồi nhưng được mang theo phong cách mới. Rõ ràng ngày “chạp họ” hoặc giỗ họ không chỉ mang ý nghĩa xây dựng tình đoàn kết keo sơn trong tộc họ mà còn mang nét đẹp mới có ý nghĩa xã hội đó là xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học, góp phần xây dựng xã hội học tập.