Lễ hội và những trăn trở bảo tồn đàn voi Tây Nguyên

15:58, 21/03/2011

Cùng với văn hóa cồng chiêng đặc sắc thì voi là một biểu tượng bất biến trong tâm thức của người dân Tây Nguyên. Sức mạnh của voi là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, của gia đình với buôn làng

 

Đã bao đời nay, Buôn Đôn và Lak vẫn là hai địa phương có nhiều voi nhất ở Đắc Lắc. Voi đã đi vào tâm thức người Đắc Lắc nói riêng cũng như cả dải núi rừng Tây Nguyên nói chung như một biểu tượng bất biến.

 

Biết bao câu chuyện liên quan tới voi, cùng cồng chiêng, sử thi, mái nhà Rông… tạo nên huyền thoại về dải đất Tây Nguyên hùng vĩ. Voi gắn bó với con người, được sắn bắt từ đại ngàn bởi những Gru (dũng sĩ săn voi) dũng mãnh, được thuần dưỡng và nuôi như người bạn lớn trong mỗi gia đình Ê Đê, M’Nông, Jarai…

 

Nếu như vào những năm 80 của thế kỷ trước, toàn tỉnh Đắc Lắc có hơn 500 thớt voi thì tới đầu năm 2011, theo thống kê mới nhất của Cục Kiểm lâm thì toàn tỉnh chỉ còn 54 voi nhà. Từ công việc kéo gỗ và đưa Gru vượt rừng thẳm đại ngàn đi tìm voi rừng, voi nhà ngày nay chỉ còn đóng vai trò gần như duy nhất là chở khách du lịch đi theo những tuyến đường đã được xác lập trước. Số lượng voi ở Đắc Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung dần ít đi theo thời gian do số voi chết do tuổi già hoặc lâm bệnh mà không được bổ sung từ việc săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.

 

Những Gru và voi chỉ chợt như trở về với hình ảnh trước đây khi tham gia các lễ hội đua voi ở Buôn Đôn và Lak, gợi nhớ đến một quá khứ hào hùng gắn chặt với đời sống và tâm thức của người Tây Nguyên.

 

Ông Y Ka Buôn Yă – Bí thư Đảng uỷ xã Krông Na (huyện Buôn Đôn-Đắc Lắc), thành viên Ban tổ chức Lễ hội đua voi năm 2011 diễn ra mới đây ở khu du lịch sinh thái Buôn Đôn, cho biết ý nghĩa  truyền thống của lễ hội đua voi: “Vì voi gắn liền với cuộc sống của bà con dân tộc ở Đắc Lắc nói chung và ở Buôn Đôn nói riêng. Buôn Đôn nổi tiếng mấy đời nay về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà. Với ý nghĩa đó, hàng năm chúng tôi tổ chức các lễ hội, trong đó không thể thiếu lễ hội đua voi. Ở đây, nếu nhà nào có voi thì đó là một niềm vinh dự nhất. Sức mạnh của voi là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, của gia đình với buôn làng”.

 

Ông Y Ka Buôn Yă cũng cho biết, trước đây địa phương thường tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 26/3 hằng năm, trong đó có đua voi với nhiều nội dung phong phú như: Thi voi bơi vượt sông, voi chạy, voi kéo vật nặng, voi đá bóng, voi kéo co với người... Riêng năm nay, hưởng ứng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra ở Đắc Lắc nên địa phương tổ chức đua voi vào ngày 11/3, với sự tham gia của 12 con voi gồm các nội dung như thi voi chạy, voi kéo vật nặng, tái diễn săn bắt voi rừng… Những con voi tham gia các nội dung thi thường có tuổi đời từ 60 năm trở xuống. Dưới sự điều khiển của các quản tượng, những chú voi ục ịch nặng nề bỗng trở nên nhanh nhẹn, mạnh mẽ, cong đuôi chạy ầm ầm trong tiếng hò reo cổ vũ của đông đảo du khách và người dân địa phương.

 

Trước khi đưa voi vào tham gia lễ hội, theo phong tục ở đây phải tổ chức cúng chung cho cả lễ hội gồm cúng bến nước, cúng thần linh và người quá cố. Lễ vật cúng gồm một con heo, một ché rượu, một ít gạo. Sau khi tham gia lễ hội cũng phải làm lễ cúng cho voi. Thày cúng là một già làng và nhất thiết phải là một Gru nhiều kinh nghiệm, đã săn được ít nhất từ 30 con voi rừng trở lên, thay mặt dân làng cúng trình với Giàng (Trời), với ông bà tổ tiên, thần rừng cầu cho lễ hội được suôn sẻ, dân làng và voi có được sức khoẻ, cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu…

 

Sau lễ đua voi, Già làng Y Then Ê Ban làm lễ cúng cầu sức khỏe cho buôn làng và voi

 

Để tham gia thi đấu, các chú voi được tập luyện trong 3 ngày, được ăn các loại thức ăn ngon mà chúng ưa thích để tăng cường sức khoẻ. Đua voi là hoạt động mang lại niềm vui, niềm tự hào nên không có giải thưởng. Trong các ngày tham gia cuộc thi, mỗi suất voi được Ban tổ chức đãi ngộ số tiền 600.000 đồng/ngày.

 

Khi được hỏi về hướng duy trì, phát triển lễ hội đua voi truyền thống gắn với du lịch trong thời gian tới, ông Y Ka Buôn Yă trăn trở: Muốn phát triển được như vậy thì trước hết phải bảo tồn được đàn voi ở Buôn Đôn. Vì hiện nay voi nhà ở nơi đây phần lớn đều đã già. Trước đây, Buôn Đôn có gần 200 con voi nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30 con vì chúng chết dần. Nếu không có các biện pháp bảo tồn và duy trì thích đáng thì tương lai đàn voi nhà ở Buôn Đôn sẽ biến mất, vì từ năm 1975 đến nay nhà nước đã có lệnh cấm săn bắt voi nên số lượng của đàn voi nhà ở Buôn Đôn ngày càng bị rơi rụng dần theo thời gian.

 

Theo lý giải của ông Y Ka Buôn Yă, thì cần cho phép phát huy lại nghề truyền thống săn bắt voi rừng thuần dưỡng thành voi nhà để bổ sung dần lượng voi đã mất. Tất nhiên là mỗi năm chỉ cho phép săn bắt từ 2 đến 3 con voi rừng mà thôi chứ không được đi săn vô tội vạ.

 

Từ năm 2005 trở về đây, ngày càng có nhiều du khách đến với Buôn Đôn. Mỗi năm trung bình có từ 15.000-20.000 du khách, trong đó du khách nước ngoài chiếm khoảng 10-15%. Du khách đến với Tây Nguyên phần lớn vì muốn khám phá những bí ẩn của văn hóa, núi rừng Cao nguyên. Để thu hút du khách thì việc phát huy và bảo tồn bản sắc đặc trưng của vùng Tây Nguyên là yếu tố thiết yếu, trong đó có việc bảo tồn đàn voi. Cùng với văn hóa cồng chiêng đặc sắc thì voi là một biểu tượng bất biến trong tâm thức của người dân Tây Nguyên. Chính vì vậy, nếu không có những biện pháp và chính sách kịp thời, e rằng một ngày không xa hình ảnh về những chú voi sẽ chỉ còn trong quá khứ.