Lễ hội gió mùa ở Ấn Độ

10:37, 14/07/2011

Đất nước Ấn Độ là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại, thể hiện văn hóa phương Đông, trong đó lễ hội đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ vốn văn hóa cổ.

 Từ lâu, Ấn Độ đã nổi tiếng là đất nước của những lễ hội từ mùa xuân (lễ hội sắc màu) đến mùa đông (lễ hội Eid của người hồi giáo). Đi đến vùng nào trên đất nước Ấn Độ linh thiêng, ta đều được tham gia vào các lễ hội náo nhiệt, cùng thưởng thức những tinh hoa văn hóa của ngàn năm lắng đọng và hòa mình vào các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.

 

Lễ hội Gió mùa là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Ấn Độ (đặc biệt ở vùng Rajasthan), bao gồm hai lễ hội chính là lễ hội Teej và lễ hội đánh đu.

 

 

 

Lễ hội Teej được tiến hành vào ngày thứ 3 của tuần trăng sáng trong tháng lễ hội Shravan (tháng 7-8). Đây là một trong những lễ hội quan trọng và hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp nhất trong năm của vùng Rajasthan, Bihar và nhiều phần của Uttar Pradesh thuộc Ấn Độ. Lễ hội Teej chủ yếu dành cho những người con gái trong gia đình và họ cũng chính là người thực hiện các nghi thức chính trong lễ hội. Teej phản ánh sự huyền diệu của ngọn gió mùa vùng Nam châu Á, nhất là ở Ấn Độ Dương, thổi từ hướng Tây Nam từ tháng 4 đến 10 và từ hướng Đông Bắc từ tháng 10 đến 4. Nó báo hiệu thời gian bắt đầu của hàng loạt các lễ hội và chợ phiên sẽ diễn ra trong suốt những tháng mùa thu và mùa đông đến cao điểm là lễ hội mùa xuân Gangaur.

 

Teej là lễ hội được phụ nữ Hindu chờ đợi nhất bởi họ có thể thoả sức tham gia hội hè, cầu nguyện. Là lễ hội dành cho phụ nữ nhưng thực chất Teej là dịp để họ cầu nguyện cho người chồng của mình. Thủ đô  Kathmandu của Nepal thường tổ chức lễ hội Teej rất hoành tráng. Những người phụ nữ Nepal, Ấn Độ theo đạo Hindu thường đổ về thánh đường nổi tiếng của Hindu là Pashupatinath, nơi thờ thần Shiva linh thiêng để dự lễ hội Teej. Theo ước đoán của chính quyền, có khoảng hơn 200.000 phụ nữ đến đây để cầu khấn.

 

 

Múa hát mừng lễ hội Teej.

 

Những phụ nữ có chồng thường mặc áo dài đỏ, cầu khấn thần Shiva phù hộ cho chồng mình sức khoẻ và tuổi thọ, trong khi các cô gái chưa chồng cũng cầu cho mình có được một người chồng tốt và cuộc hôn nhân tốt đẹp. Teej là lễ hội dành cho phụ nữ nhưng là để họ cầu nguyện cho người chồng của mình. Teej cũng là dịp để những người phụ nữ Hindu tụ hội để nhảy múa các điệu múa dân gian và hát những bài ca có tính cầu nguyện. Trong dịp này, những người phụ nữ lớn tuổi sẽ tặng vòng, chấm son trước trán, quần áo truyền thống và đồ trang sức khác cho người thân như chi em gái, con gái, con dâu…để thắt chặt thêm tình thân ái.

 

Theo lễ nghi, để tham dự lễ hội Teej, những thiếu nữ trẻ, những cô dâu mới cưới và những phụ nữ lớn tuổi trang điểm rất cầu kỳ bằng nhiều loại trang sức sặc sỡ, mặc những trang phục truyền thống nhiều màu sắc lộng lẫy. Những phụ nữ đã có gia đình tự nguyện trải qua một ngày ăn chay để cầu tuổi thọ cho các ông chồng.

 

 

Phụ nữ Hindu trong trang phục truyền thống tham dự lễ hội Teej.

 

Lễ cầu kinh Pooja (tiếng địa phương mang ý nghĩa biểu hiện tôn giáo) được cử hành vào buổi sáng với mâm vật bao gồm 4 kachoris (loại bánh làm từ một thứ củ như khoai lang), 4 puris (kiểu bánh mì của người Ấn), hai thứ trái cây cùng một số kẹo mứt được đặt phía trước nữ thần. Mâm vật này sau đó được dâng tặng cho mẹ chồng của người phụ nữ thực hiện nghi lễ puja. Tiếp đó, cô sẽ mang chiếc rổ có đựng quần áo mới, đồ trang sức và kẹo mứt do mẹ ruột tặng đến đặt bên cạnh nơi biểu diễn nghi thức pooja. Cô cũng đến xin được ban phúc lành từ những người già cả trong nhà. Rồi nghi thức dâng trái cây và thức ăn ngọt cho nữ thần được tiến hành.

 

Vài ngày trước khi lễ hội bắt đầu, người ta sơn lại tượng nữ thần Parvati. Ngày chính thức diễn ra lễ Teej, tượng thần được trang hoàng bằng đồ trang sức truyền thống và quần áo mới. Ngày nay, tượng nữ thần Parvati do những người phụ nữ trong các gia đình hoàng tộc ở Rajasthan thờ phượng được rước bởi một đoàn diễu hành với đầy đủ nghi thức của một buổi lễ long trọng.

 

 

Tượng thần được trang hoàng bằng đồ trang sức truyền thống và quần áo mới.

 

Tiến trình nghi lễ được bắt đầu ngay thời điểm thuận lợi do một thầy tế quyết định, lễ rước bao gồm nhiều con voi được trang trí bằng những tấm thảm đầy màu sắc đắp trên lưng cùng với xe bò và xe ngựa được một con voi lớn có gắn cờ dẫn đầu ra khỏi cổng chính. Thời điểm được nhiều người nóng lòng chờ đợi nhất là khi Teej Mata (nữ thần) xuất hiện ngồi trên một chiếc kiệu truyền thống. Đám đông hàng ngàn người bắt đầu cố nhô lên cao hơn để có thể nhìn thấy nữ thần với hy vọng được người ban phước. Nghi lễ rước thần hoàn tất bắt đầu nhiều hoạt động vui chơi.

 

Lễ hội đánh đu (Jhulan Yatra) diễn ra vào ngày thứ 10 của tuần trăng sáng trong tháng lễ hội Shravan có ý nghĩa mang đến sự thư giãn cho thần thánh. Lễ hội được tổ chức rất lớn tại đền thờ thần Jagannath ở Puri trong tháng 8, thu hút rất nhiều người tham dự.

 

Ở đền Jagannath, tượng thần Jagannath, thần Balabhadra và thần Subhadra được rước ra ngoài với một đám rước rất lớn, được đặt trên những chiếc đu trang trí lộng lẫy giữa tiếng nhạc và các điệu múa. Nhiều người tình nguyện thức suốt đêm ca hát và nhảy múa trước các vị thần. Lễ hội này lần đầu tiên được tổ chức tại đền Jagannath ở Puri do vua Dibyasingha Dev khởi xướng hồi cuối thế kỷ 18.