Đến xóm 1, xã Minh Đức (Phổ Yên) vào một ngày đầu tháng 7, trên con đường bê tông sạch sẽ, chúng tôi cảm nhận khung cảnh thoáng đãng, thanh bình ở vùng quê nơi đây...
Bà Cù Thị Tâm, Trưởng xóm cho biết: Xóm 1 hiện có 66 hộ với trên 210 nhân khẩu. Từ những năm 2001 trở về trước, đời sống người dân rất khó khăn do chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chủ yếu sống dựa vào cây chè nhưng bà con chưa biết đầu tư chăm sóc. Vì thế, năng suất chè thường không cao. Từ năm 2001, theo chủ trương khuyến khích phát triển cây chè của chính quyền địa phương, người dân đã tham gia các lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè. Bà con cũng được vay vốn ưu đãi đầu tư mua sắm tôn quay, máy vò, máy bơm nước để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm công lao động. Nhờ phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đời sống của bà con đã khá dần lên, số hộ khá, giàu hiện chiếm 60%.
Cùng với phát triển kinh tế, bà con nơi đây cũng chú trọng việc xây dựng đời sống văn hóa. Được tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, được phát huy quyền làm chủ trong việc bàn bạc, quyết định những công việc chung của xóm nên Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) được triển khai từ năm 2000 đã nhận được sự đồng tình của người dân và mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã đóng góp tiền, ngày công lao động để xây nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn. Từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi hộ trong xóm đã đóng hơn 2,5 triệu đồng để làm 4km đường bê tông. Xóm cũng đã xây dựng quy ước làng văn hóa, với những quy định cụ thể trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nếp sống mới, những nội dung tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, giữ gìn an ninh trật tự, lồng ghép bảo vệ môi trường... Chị Chu Thị Thảo, người trong xóm cho biết: Từ năm 2000 trở về trước, xóm tôi thường xảy ra tình trạng các hộ chăn nuôi không quan tâm đến việc xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, từ đầu làng đến cuối xóm đều thấy vỏ bao thuốc trừ sâu vứt bừa bãi, hay xích mích giữa các hộ dân xung quanh việc tranh chấp đất đai, bờ rào… Giờ đây, không còn xảy ra những chuyện như vậy nữa, bà con chúng tôi đã thực hiện nếp sống văn minh; việc cưới, việc tang hay lễ hội không còn tổ chức linh đình trong 3, 4 ngày nữa và cùng nhau giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.
Các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của xóm 1 cũng được tổ chức sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia, qua đó nhằm góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng của mỗi cá nhân. Xóm đã thành lập được Câu lạc bộ Bóng đá của thiếu nhi, Câu lac bộ Bóng chuyền của phụ nữ, Câu lạc bộ gia đình “5 không”, “3 sạch”... Chị Dương Thị Chinh, 1 hộ dân xóm 1 cho hay: Bà con trong xóm luôn có ý thức trong việc xây dựng và giữ gìn danh hiệu Làng văn hóa. Chúng tôi sống đoàn kết, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn. Xóm không có tệ nạn xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chúng tôi rất yên tâm phát triển kinh tế. Ở xóm 1 còn có nhiều gia đình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cần cù chịu khó và mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh để làm giàu chính đáng, có điều kiện đầu tư cho việc học hành của con cái. Đây cũng chính là những điểm sáng để bà con trong khu dân cư noi theo, có thể kể tên 1 số hộ tiêu biểu như: Ông Đàm Văn Chiến, ông Võ Văn Hồng… Kết quả ấy, có sự đóng góp không nhỏ từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Hằng năm, xóm 1 đều tổ chức tổng kết việc thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH để đánh giá, rút kinh nghiệm và đưa ra những tấm gương điển hình để biểu dương, khen thưởng. Vì thế, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số ngày càng được người dân nhận thức sâu sắc. Đã 10 năm nay, xóm không có người sinh con thứ 3. Số hộ đạt gia đình văn hóa luôn đạt trên 93%. 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Từ năm 2000 đến năm 2010, xóm liên tục đạt danh hiệu Làng văn hóa tiêu biểu cấp huyện, từ năm 2007 đến nay đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh.