Câu chuyện kỳ diệu về hành trình tìm lại hòa bình

15:44, 15/01/2013

Đạo diễn người Pháp Daniel Roussel từng khẳng định:"Trái tim tôi chảy máu khi rời xa Hà Nội". Minh chứng là 20/30 bộ phim tài liệu ông làm đều mang hình bóng Việt Nam, trong đó phải kể đến "Cuộc chiến giữa hổ và voi", "Tù binh Mỹ ở Hà Nội". Hiện tại, ông lại đang kể câu chuyện kỳ diệu về hành trình tìm lại hòa bình năm 1973 ở đất nước hình chữ S mang tên "Hiệp định Paris".

Câu chuyện khó tin

 

Nhà báo, nhà làm phim tài liệu Daniel Roussel từng là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo (L'Humanité) tại Việt Nam giai đoạn 1980 - 1986. "Qua tìm hiểu nhiều tài liệu liên quan tới sự kiện lịch sử ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, tôi đã bị "cảm" với câu chuyện kỳ diệu về hành trình tìm lại hòa bình ấy. Tôi muốn cho mọi người thấy khát vọng hòa bình đã chiến thắng thế nào" - ông Daniel Roussel chia sẻ. Đó cũng chính là lý do khiến vị đạo diễn này làm "Hiệp định Paris".

 

Bộ phim kể câu chuyện thần kỳ, kết quả của một quá trình thương lượng, đối mặt giữa 4 bên trong gần 5 năm - một câu chuyện khó tin. Ban đầu, đoàn đàm phán của Việt Nam nghĩ rằng họ chỉ lưu lại tại Pháp vài tháng, nhưng cuối cùng họ đã ở gần 5 năm. Lắm khi hòa bình tưởng như đã trong tầm tay, rồi lại đột ngột bị đẩy ra rất xa. "Hiệp định Paris" còn kể về cuộc đấu trí căng thẳng giữa hai nhân vật lịch sử Lê Đức Thọ và Kissinger. Rồi đến đoàn Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu, một người phụ nữ dịu dàng nhưng cũng rất kiên cường. Bên cạnh đó là các cuộc thương lượng như song hành với trận địa ở Việt Nam hay những buổi đàm phán tiến, lùi cùng với diễn biến trên chiến trường. Đặc biệt, đạo diễn Daniel Roussel thực sự bị rung động trước tình đoàn kết giữa đoàn đàm phán Việt Nam với người dân thành phố Choisy Le Roi. Ông bày tỏ: "Thật kỳ lạ, hàng trăm người dân Pháp trong 5 năm đã giúp đỡ các đoàn đàm phán Việt Nam như một gia đình thực sự. Những người phục vụ đoàn, người lái xe, người bảo vệ, đội y tế… ấy cho thấy sự nhân văn của con người đáng quý biết bao".

 

Nội tình qua lời kể nhân chứng

 

40 năm qua đi, những nhân chứng năm xưa đa phần đã mất hoặc thay đổi chỗ ở, thông tin hồi đó lại được giữ bí mật, nên đạo diễn Daniel Roussel đã gặp không ít khó khăn trong quá trình làm phim. Ông cho biết: "Tôi đã phải nhờ tới mạng lưới các đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp để tìm lại các nhân chứng. Rồi gặp người này thì được giới thiệu tới người kia, lần mò mãi mới tìm gặp được họ". Để có đủ được tư liệu cho bộ phim, đạo diễn Daniel đã nhiều lần đến Việt Nam gặp bà Nguyễn Thị Bình, gia đình ông Lê Đức Thọ, ông Xuân Thủy và một số nhân chứng khác. Không chỉ vậy, ông còn sang Mỹ gặp hai nhà ngoại giao gần gũi với ông Kissinger hồi đó là ông John Negroponte và Winston Lord để tìm hiểu quan điểm của phía Mỹ rồi phản ánh chân thực trên bộ phim.

 

Theo đạo diễn Daniel Roussel, bộ phim "Hiệp định Paris" sẽ mang lại những chi tiết mới cho khán giả. Bởi theo ông, nhiều người trên thế giới nghĩ rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam kết thúc ngày 30/4/1975. Nhưng trên thực tế, từ 2 năm trước, Việt Nam đã thành công trong việc ký Hiệp định Paris, đuổi quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Thông qua việc đưa trung thực quan điểm của các bên qua lời kể của các nhân chứng và những tư liệu thu thập được, bộ phim giải thích vì sao các cuộc thương lượng không tiến triển trong mấy năm đầu. Có những lúc việc thương lượng tưởng như tiến tới hòa bình nhưng lại đột ngột trở về con số không. Riêng trong năm 1972, liên tục có những hy vọng rồi thất vọng. Cuối cùng, sự thất bại của Mỹ trong cuộc xâm lược bằng B52 tại Hà Nội và Hải Phòng là bàn đạp cho sự ra đời Hiệp định Paris năm 1973. "Hiệp định Paris" sẽ được trình chiếu vào ngày 1/4 tại thành phố Choisy le Roi, nước Pháp như một hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris.